Vượt mặt Facebook, Google, các sàn thương mại điện tử thắng thế thu hút các nhà bán hàng
(DNTO) - Tệp khách hàng phân tán cùng sự hạn chế, áp đặt từ Facebook, Google khiến nhiều nhà bán hàng không còn mặn mà với các nền tảng này và đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các sàn thương mại điện tử.
Khi Facebook, Google không còn lợi thế bán hàng
Một năm trở lại đây, những người bán hàng online như chị Nguyễn Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng trên Facebook. Lý do bởi nền tảng này “bóp”, “chặn” tương tác đối với những bài đăng bán hàng, quảng bá sản phẩm. Mục đích của việc làm này là buộc người bán phải đăng kí gói chạy quảng cáo trên nền tảng.
“Chúng tôi bán sản phẩm, lấy tiền hoa hồng vốn đã rất ít ỏi, nếu phải bỏ ra vài triệu chạy quảng cáo mỗi tháng, chưa biết có bán được nhiều không nhưng lãi còn lại chẳng đáng là bao”, chị Bình cho biết.
Còn đối với các doanh nghiệp, hình thức quảng bá, bán sản phẩm truyền thống thông qua website. Tuy nhiên, việc xây dựng, duy trì và chạy quảng bá sản phẩm thông qua website cũng khá tốn kém.
“Doanh nghiệp thường mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng một tháng để quảng cáo trên Google, tùy theo từng vị trí hiển thị, lượng từ khóa SEO, chưa kể chi phí trả lương cho đội ngũ”, anh Bùi Hoàng Minh, chuyên viên digital marketing chia sẻ.
Việc bán hàng trên Facebook, Google ngày càng mất lợi thế, khiến nhiều nhà bán hàng, doanh nghiệp tìm đến các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm.
Chia sẻ trong chương trình DTM Day – The Evolution of Vietnam E-commerce hôm 29/7, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Hệ thống Học viện Kinh doanh số IMGroup, cho hay, khi người tiêu dùng bị thúc ép tăng các hành vi trực tuyến trong tình thế bắt buộc thì sàn thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm chính. Không phải chỉ là trào lưu, thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tất yếu của thị trường toàn cầu.
Sàn thương mại điện tử đang dần thay thế cho website, Facebook, App… trở thành kênh bán hàng chính và mang về doanh thu khủng cho các nhà bán hàng.
Năm 2019, kênh bán hàng thương mại điện tử chỉ xếp vị trí thứ 4 trong danh sách các kênh bán hàng hiệu quả. Đến năm 2020, kênh này đã vươn lên chiếm vị trí số 1, trước đó vị trí này là của Facebook (theo khảo sát thường niên của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo 10.000 nhà bán hàng).
“Người dùng lên Facebook, Tiktok có nhiều mục đích khác nhau như giải trí, liên lạc, tỉ lệ người mua hàng rất nhỏ. Nhưng đa phần những người vào trang thương mại điện tử, giống như đi vào siêu thị, chắc chắn họ sẽ mua hàng. Vì vậy, bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ có tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng rất lớn”, ông Đức cho biết.
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu
Giải mã lý do các sàn thương mại điện tử hình thành xu hướng mới trong tiêu dùng, ông Đức cho biết, tại các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp từ thương hiệu toàn cầu, thương hiệu nội địa cho đến các shop, đại lý nhỏ đều có thể bán hàng.
Các sàn mang lại cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt vì đa dạng hóa sản phẩm, người mua có thể mua mọi thứ trên cùng một nền tảng. Cùng với đó, người mua dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm, lựa chọn nhà bán hàng hay phương thức thanh toán, kênh vận chuyển đa dạng, nhiều khuyến mãi.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử được hỗ trợ chính sách đổi trả, báo cáo, khiếu nại nếu người bán có vấn đề, vì vậy độ tin tưởng của người mua cao hơn.
“Do vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu và tìm cách tận dụng các sàn để tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc tạo một gian hàng, đưa sản phẩm lên bán, mà các doanh nghiệp phải hướng tới xây dựng gian hàng chuyên nghiệp, bài bản trên sàn mới có thể đón lượng khách hàng lớn”, ông Đức cho hay.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ để quản lý sản phẩm trên sàn là rất quan trọng, bởi doanh nghiệp không chỉ bán một sàn mà đồng thời tung sản phẩm lên nhiều sàn khác nhau. Vì vậy nếu không kiểm soát tốt lượng hàng ra, hàng vào, hàng tồn kho… thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng… nếu khách hàng hủy đơn, đánh giá không tốt sẽ làm xấu hình ảnh người bán.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phong tỏa, nhu cầu mua sắm online gia tăng, ngay cả các đơn vị giao hàng trên các sàn cũng quá tải, hoặc một số sàn hết hàng tạm thời. Lúc này, người tiêu dùng có xu hướng tiếp tục tìm kiếm đơn vị bán hàng khác trên mạng.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp kịp thời xây dựng hệ thống thương mại điện tử in-house, từ việc xây dựng hạ tầng bán hàng đến việc tư vấn, chốt đơn, thậm chí tự xây dựng đội ngũ giao hàng. Họ phục vụ được khách hàng và chiếm được nhóm khách hàng này.
Phân tích thêm về xu hướng đa kênh, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc Công ty Nielsen Việt Nam, cho biết, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì khách hàng cũng không còn như trước mà phức tạp hơn.
Khách hàng có thể lên kênh online xem đánh giá về sản phẩm nhưng có thể chọn kênh offline để mua, hoặc ngược lại, họ có thể xem trực tiếp sản phẩm tại kênh offline nhưng sau đó lên kênh online để xem nên mua sắm ở đâu mang lại lợi ích nhiều nhất về sản phẩm, giá cả hay hỗ trợ sau bán hàng.
“Đây cũng là lưu ý cho các doanh nghiệp sản xuất hướng tới việc hợp kênh, đa kênh để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”, đại diện Nielsen nhấn mạnh.
Dịch Covid- 19 chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của người mua sắm trực tuyến, tăng 25% kể từ khi dịch bùng phát (theo Nielsen). Trong đó, giỏ hàng thương mại điện tử có sự chuyển dịch rõ nét sang các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm đồ uống, chăm sóc cá nhân, mẹ và bé, thiết bị gia đình, chăm sóc nhà cửa…
Năm 2020 cũng là một năm tăng trưởng ấn tượng của thương mại điện tử Việt Nam, với 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, doanh thu tăng trưởng 18%, tăng trưởng người dùng mới lên tới 41% -mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương).