Mỗi ngày, hàng chục tấn lương thực được bán trên các sàn thương mại điện tử
(DNTO) - Lượng cung ứng hàng hóa cho người dân phía Nam qua các sàn thương mại điện tử lên tới 10 – 30 tấn mỗi ngày, giảm áp lực cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ngay sau khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, đã có công văn hỏa tốc gửi các sàn thương mại điện tử lớn tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa tại khu vực TP.HCM.
Cục cũng khẩn trương làm việc với các sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki (Tiki Ngon) và các đối tác vận hành thương mại điện tử..., để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân phía Nam.
Các sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng triển khai các chương trình như “Đi chợ tại nhà” của Sendo; “Tiếp sức Sài Gòn – Tiki trao tươi ngon” của Tiki; “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay chương trình “An tâm ở nhà” của Voso, để cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng thực phẩm...
Mặc dù còn khó khăn trong thời gian đầu triển khai, nhưng với sự vào cuộc của các bên, việc cung ứng hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử đang dần ổn định.
Cụ thể trong những ngày qua, sàn Sendo đã phối hợp với các nhà vận hành tạo ra các combo "Rau quả giao ngay", "Thịt tươi mỗi ngày", áp dụng hình thức giao nhanh tại TP.HCM; các thực phẩm tươi sống đều được cung cấp đầy đủ và tiêu thụ rất nhanh theo ngày.
Các sàn như Tiki, Shopee hay Lazada cũng liên tục tìm kiếm nguồn cung thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân.
Tính đến ngày 20/7, sàn Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau củ quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày hay sàn Lazada có sản lượng trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Đặc biệt, sàn Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các Bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.
Tính đến hết ngày 17/7, chương trình thực phẩm lưu động tại TP.HCM của sàn Voso đã tiêu thụ hơn 150 tấn rau củ quả tại 34 điểm bán lưu động trên 20 quận huyện của thành phố. Sản lượng đơn đặt hàng trên Voso tiếp tục tăng cao. Viettel Post và Vỏ Sò sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập đầu vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử cho biết, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử nỗ lực tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam”, bà Huyền cho biết.