Xuất khẩu qua thương mại điện tử: Cần nhiều trợ lực để tăng tốc
(DNTO) - Dịch Covid-19 được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt đẩy nhanh quá trình tiếp cận thị trường mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt, việc này chưa bao giờ dễ dàng.
Chập chững xuất khẩu trực tuyến
Cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên một sàn thương mại điện tử Việt Nam là Voso.vn (thuộc Tổng công ty Bưu chính Viettel) xuất khẩu thành công 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức, Cộng hòa Séc.
Thông qua gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global, kiều bào và người tiêu dùng nước ngoài dễ dàng tiếp cận sản phẩm Việt Nam, trực tiếp đặt hàng và thanh toán thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn.
Mặc dù trước đó, hàng Việt Nam xuất khẩu qua thương mại điện tử không ít. Cụ thể, trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trên 1 triệu USD thông qua nền tảng Amazon tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, khi người tiêu dùng trên thế giới tăng cường mua sắm online trong dịch Covid-19.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam vẫn thông qua nền tảng thương mại điện tử nước ngoài như Amazon (Mỹ) hay Alibaba (Trung Quốc).
Do vậy, việc Vỏ Sò – một sàn không thuộc top đầu trang thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng đã thành công xuất khẩu nông sản Việt sang các nước EU, mở ra nhiều hy vọng cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới qua thương mại điện tử.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 7 tỷ USD và sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 34%, cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương từng cho biết, kinh tế số được xác định là một trụ cột tăng trưởng của Việt Nam. Do vậy, việc xuất khẩu qua thương mại điện tử không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, phát triển và kết nối với chuyển động của thương mại toàn cầu, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.
Giải quyết bài toán về năng lực
Dịch Covid-19 thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước đến xuất khẩu qua thương mại điện tử. Bởi, thông qua thương mại điện tử, sản phẩm doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận đến một lượng lớn khách hàng quốc tế, và ngoài vai trò là người tiêu dùng, những khách hàng này có thể trở thành những đối tác nhập khẩu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong 800 doanh nghiệp xuất khẩu vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khảo sát, có đến 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% là doanh nghiệp lớn. Trong đó, số doanh nghiệp có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử chưa nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp lớn sử dụng chiếm 54%, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đạt 36%.
Lý giải về tỷ lệ doanh nghiệp Việt tiếp cận tới xuất khẩu qua thương mại điện tử còn hạn chế, giới chuyên gia cho hay, không giống như hoạt động xuất khẩu truyền thống, quy trình xuất khẩu qua thương mại điện tử khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo được năng lực từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng.
Quay trở lại việc xuất khẩu thành công 3 tấn vải sang Đức, Cộng hòa Séc qua thương mại điện tử, để làm được điều này, sàn Vỏ Sò phải đảm bảo quả vải đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải thiều đạt chuẩn GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng của châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng.
Ngoài ra, Vỏ Sò cũng phải giải quyết bài toán vận chuyển và bảo quản đối với sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn như quả vải. Cụ thể, Vỏ Sò đã tận dụng hệ thống logistics thông minh của Viettel Post để tối ưu hóa về thủ tục, thời gian di chuyển và chi phí, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để tiếp cận và có thể xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt trước hết phải có hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu. Bởi cùng một sản phẩm nhưng có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng chưa chắc bán được ở thị trường khác do đặc tính tiêu dùng của mỗi thị trường khác nhau.
Ngoài việc đảm bảo các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, doanh nghiệp phải có hiểu biết về các thủ tục liên quan tới phân phối qua thương mại điện tử tại nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm rõ được quy trình logistics, bảo quản hàng hoá để tính toán phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ sở lý luận là vậy nhưng thực tiễn, không nhiều doanh nghiệp Việt có đủ năng lực, hệ sinh thái cũng như khả năng kết nối để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến như Vỏ Sò, bởi 95% doanh nghiệp trong nước vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tạo cơ chế, xây các bệ đỡ
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử, Bộ Công thương đã “bắt tay” với các “ông lớn” như Amazon, Alibaba tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực chuyển đổi số, năng lực thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng trong thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Từ cuối năm 2020, chương trình đã có 1.000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực thương mại điện tử và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn Alibaba. Mục tiêu đến năm 2024, Alibaba sẽ hỗ trợ trên 10.000 nhà cung cấp đến từ Việt Nam hoạt động thương mại B2B trên sàn.
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin - Truyền thông để tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; tổ chức quảng bá sản phẩm ở cả trong và ngoài nước; kết nối với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu…
Đồng thời, Bộ Công thương và Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc tổ chức phân phối, thẩm định, thông quan hàng hoá, thanh toán đơn hàng cũng như vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam.