Tăng xuất khẩu nhưng thiếu đăng kí nhãn hiệu, ‘vết xe đổ’ xâm phạm thương hiệu có lặp lại?
(DNTO) - Câu chuyện từ vụ nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên hay gạo ST25 bị đăng kí bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài tuy không còn mới, nhưng chưa hề cũ trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhưng số lượng đơn đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài còn quá ít.
Nghịch lý trong xuất khẩu Việt Nam
Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, nhưng trị giá hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0%, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%.
Thế nhưng, số lượng nhóm của đơn đăng ký nhãn hiệu theo nước xuất xứ của Việt Nam năm 2020 chỉ dừng lại ở con số 20, tăng 6 nhóm đơn so với năm 2019 (theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO).
Có một nghịch lý vẫn đang tiếp tục diễn ra là, dù thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng và tăng trưởng, nhưng số lượng đơn đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài còn quá ít so với thực tế. Điều này làm dấy lên lo ngại về lịch sử “vết xe đổ” như vụ nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên hay gạo ST25, bị đăng kí bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài sẽ lặp lại?
PGS. TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế trường Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, bà rất buồn khi mỗi lần đi công tác nước ngoài, đến các siêu thị và nhìn thấy những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng nhà sản xuất lại là Thái Lan, Hồng Kông. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không có, chưa có, hoặc có không đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhãn hiệu hợp pháp, thì việc làm này của các doanh nghiệp nước ngoài không sai.
“Nhưng doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm với nhãn hiệu tương tự vào thị trường này sẽ không cạnh tranh được, một phần do thói quen của người tiêu dùng đã quen với sản phẩm cũ trên thị trường. Chưa kể nếu sản phẩm đó đã đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại thì doanh nghiệp Việt không thể xuất khẩu được vì sẽ vi phạm pháp luật”, PGS.TS Ngọc trao đổi trong Hội thảo "Sở hữu trí tuệ và Xuất khẩu", do Cục Sở hữu trí tuệ và Trường Đại học Ngoại thương tổ chức, chiều 29/6.
Rõ ràng, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập thị trường mới hợp pháp, độc quyền trên thị trường xuất khẩu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của hàng hóa, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử và lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi việc bảo hộ sở hữu trí tuệ là trọng tâm khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bảo vệ thương hiệu thế nào?
Lý giải về việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, Luật sư Phạm Duy Khương - Công ty Luật ASL Law, SB Law, cho biết điều này liên quan đến thói quen kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp thường nghĩ rằng khởi nghiệp trước tiên phải “sống”, phải đưa được sản phẩm ra thị trường thành công thì mới đăng kí nhãn hiệu. Tư duy này cũng được doanh nghiệp áp dụng với hàng xuất khẩu.
“Với thị trường Việt Nam ít xảy ra các vụ việc xâm chiếm quyền sở hữu trí tuệ, và dù có bị xâm phạm thì cơ hội sửa sai vẫn có. Tuy nhiên với các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…, nhận thức sở hữu trí tuệ rất cao, nên xuất khẩu hàng hóa sang nước này nếu không có sở hữu trí tuệ đi trước sẽ tạo ra lỗ hổng để các bên khác chiếm quyền của chúng ta”, ông Khương nhấn mạnh.
Vị luật sư này khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài, hoặc ngay cả khi đề xuất hợp tác với đối tác nước ngoài cần phải đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ngay lập tức. Bởi hiện rất nhiều thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan rất biết cách tận dụng cơ hội biến thương hiệu đối tác trở thành thương hiệu của mình để chi phối.
Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu về công nghệ Nano phục vụ cho y sinh, nông nghiệp và công nghiệp, Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (OIC New), nhận thức rõ nhất về tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Từ năm 2019 đến nay, OIC New đã nộp được 65 đơn đăng kí sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ và được cấp 11 sáng chế. Hiện nhiều sản phẩm của công ty này đã được bán trên Amazon và được Amazon cấp phép bán trên 12 thị trường khác nhau.
TS. Lưu Hải Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị OIC New cho biết, câu chuyện chọn thời điểm “hợp tình, hợp lý” để đăng kí sở hữu trí tuệ rất quan trọng. Tại Việt Nam, từ lúc đăng kí sáng chế đến lúc được cấp mất khoảng 3 năm. Trong khi đó, nếu xuất hàng sang Mỹ, nước này yêu cầu sau khi đăng kí sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, trong vòng 12 tháng phải gửi đơn nộp ở Mỹ.
“Do vậy trong vòng 12 tháng, bằng mọi giá phải lấy được một bản sao có dấu đỏ, phải dịch công chứng lãnh sự để chuyển sang Mỹ, những việc này doanh nghiệp phải nắm bắt được để nhanh chóng thực hiện, nếu qua mất thời điểm thì sẽ không còn giá trị và sản phẩm sẽ chỉ được bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại Mỹ”, ông Minh chia sẻ.
Đứng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, PGS. TS Hồ Thúy Ngọc cho rằng, nếu doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu sản phẩm, cần có đầy đủ 3 loại thông tin: Chiến lược phát triển thị trường sắp tới như thế nào? Với chiến lược như vậy thì cần làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp? Nếu làm như vậy thì chi phí hết bao nhiêu?
Và để có đủ 3 loại thông tin này, theo bà Ngọc cần có sự phối hợp làm việc chặt chẽ giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp, bộ phận phát triển thị trường, bộ phận pháp chế và tài chính. Trong đó, bộ phận pháp chế cần chỉ rõ ra rủi ro, thiệt hại nếu không bảo vệ nhãn hiệu tại thị trường xuất khẩu.
Cơ hội cho doanh nghiệp bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn cầu
Đứng dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, nếu như Việt Nam không tham gia vào các điều ước quốc tế, việc có được thừa nhận và chấp nhận bảo hộ tại nước ngoài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP và hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, điều này cho phép Việt Nam có thể đăng kí, bảo hộ ở khoảng 180 nước trên thế giới.
Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ cũng cho biết, mới đây, Cục cũng đã làm các thủ tục để Việt Nam gia nhập Hiệp ước Budapest để được lưu chủng vi sinh để bảo hộ sáng chế ở nước ngoài. Hiện Cục cũng đang nghiên cứu để thúc đẩy Việt Nam gia nhập các Hiệp ước như Hiệp ước Luật sáng chế, Hiệp ước Luật nhãn hiệu… giúp cho quá trình đăng kí nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài đơn giản, tiết kiệm hơn nữa.
“Khả năng Việt Nam sẽ được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn cầu. Đây chính là hoạt động thể chế quan trọng giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thuận lợi đăng kí bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu”, ông Hồng nhấn mạnh.