Không nhận được đầu tư mạo hiểm, sản phẩm sáng chế khó ra thị trường
(DNTO) - Các nhà khoa học thiếu động lực, cơ chế, tài chính để đưa các sáng chế ra thị trường; trong khi các doanh nghiệp, quỹ đầu tư ngần ngại rót tiền vào những ý tưởng chưa đo lường được hiệu quả, khiến con đường đưa sáng chế từ phòng nghiên cứu ra thị trường ở Việt Nam hiện đang rất chậm.
Gian nan con đường thương mại hóa các sáng chế
Trong báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO),Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế và được đánh giá có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trên tầm mức phát triển.
Trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 125.689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019). Trong số đó có 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế; chỉ dẫn địa lý; và đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm số và thứ hạng các chỉ số liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam trên thế giới vẫn rất thấp. Theo báo cáo của WIPO, năm 2020, số lượng đơn đăng kí sáng chế theo nước xuất xứ của Việt Nam chỉ có 66 đơn; đơn đăng kí sáng chế quốc tế theo PTC là 82; đơn đăng kí giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ là 36.
Trong khi đó, chỉ riêng hãng Toyota năm 2020 được cấp 2.819 sáng chế tại Mỹ. Hay tính đến ngày 31/3/2021, Oppo đã nộp hơn 61.000 đơn xin cấp bằng sáng chế và sở hữu hơn 26.000 bằng sáng chế được cấp trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mặc dù Chương trình Quốc gia về Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 12/2020, nhưng hiện các chính sách riêng biệt về bảo hộ, khai thác và thương mại hóa sáng chế vẫn còn triển khai chậm.
Ngoài ra, các ưu đãi cho khai thác, thương mại hóa sáng chế chưa nhận được sự quan tâm cao của doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà đầu tư. Việc liên kết giữa nhà sáng chế, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà đầu tư chưa chặt chẽ nên các sáng chế đưa vào sản xuất, kinh doanh chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
“Nếu nghiên cứu, sáng chế không nhận được đầu tư mạo hiểm để phát triển sản phẩm thì rất khó đưa sản phẩm ra thị trường. Rào cản này trong suốt một thời gian dài "bóp chết" rất nhiều dự án. Chúng ta cần cách làm khác, con đường khác”, TS. Vũ Nguyên Thức, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong webinar “Đưa sáng chế ra thị trường” mới đây.
Nhà đầu tư ngần ngại rót tiền cho những ý tưởng đang trong phòng nghiên cứu
Là một người làm nghiên cứu khoa học, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng nhóm Nghiên cứu Công nghệ Enzyme và Protein, cũng thừa nhận, tại Việt Nam, hiện tỉ lệ sáng chế tạo thành sản phẩm và đưa ra thị trường thành công rất thấp. Bởi các nhà nghiên cứu chỉ thuần làm khoa học, sáng chế, chế tạo sản phẩm nhưng rất thiếu kiến thức về thị trường, marketing, bảo hộ sáng chế... ; trong khi ở Việt Nam hiện còn thiếu hệ sinh thái hỗ trợ đưa tài sản trí tuệ thành tài sản thương mại.
Ngay tại 4 mùa Thương vụ bạc tỷ - chương trình gọi vốn dành riêng cho các startup Việt Nam, các nhà đầu tư cũng ngần ngại rót tiền cho những ý tưởng, sáng chế vẫn đang trong phòng nghiên cứu. Đa phần, các “cá mập” đều muốn đảm bảo dòng tiền đầu tư, nên thường chọn startup đã tung sản phẩm ra thị trường, đạt mức độ phủ sóng thị trường nhất định để rót vốn.
Để mở đường đưa các sáng chế ra thị trường, hiện BK Holdings, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund), cùng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) đang hợp tác trong Chương trình Lab2Market, hướng tới các nhà khoa học trong trường đại học với nghiên cứu đã có sản phẩm mẫu ưu tiên và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo của BK Holdings cho biết, đơn vị này đang quan tâm đến các các giải pháp công nghệ có thể giải quyết được các bài toán quan trọng của xã hội, đặc biệt, sáng chế đó phải có nhiều người cần sử dụng, có khả năng chuyển hóa thành các startup.
Ngoài ra, BK Holdings cũng quan tâm đến yếu tố con người, đó là những người thực tế, hay nói cách khác là tinh thần doanh nhân, thực sự có mong muốn đưa sáng chế ra thị trường.
“Kể cả những nhóm sáng chế mới có kết quả nghiên cứu, mới bắt đầu có ý tưởng thương mại hóa, chúng tôi cũng sẵn sàng đồng hành. Những nhóm sáng chế đang bán hàng, nhưng không hài lòng với kết quả đó, muốn mở rộng thị trường, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi có thể giới thiệu cho các nhóm nghiên cứu khoa học các vườn ươm tạo khác hoặc các nhà đầu tư cho các ý tưởng tạo tác động xã hội”, ông Hiệp chia sẻ.
Chương trình Lab2Market được xem là bước thí điểm, tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái bền vững giữa các nhà khoa học, các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm ra con đường đưa các sáng chế tạo thành sản phẩm ứng dụng vào thực tế, tạo nền móng phát triển thị trường khoa học công nghệ Việt Nam - yếu tố then chốt trong nền kinh tế tri thức.