9X khởi nghiệp bán hàng online kiếm tiền tỷ với số vốn 7 triệu đồng
(DNTO) - “Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là nắm bắt thời cơ. Từng trải qua cảm giác bán mãi mà không ai mua, đến khi chứng kiến cả nghìn đơn/ngày đổ về, tôi nhận ra rằng khi thời cơ đến, nếu mình không làm thì người khác sẽ làm ngay”, Nguyễn Trung Kiên, chàng trai 9X kiếm tiền tỷ nhờ bán hàng online chia sẻ.
Điều quan trọng là biết nắm bắt thời cơ
Nhớ lại quãng thời gian mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực thương mại điện tử, Nguyễn Trung Kiên cho biết, từ công việc shipper năm thứ 2 đại học, nhận thấy các chủ shop bán được rất nhiều hàng bằng hình thức kinh doanh online, từ đó Kiên mày mò tìm hiểu về mảng này. Và năm thứ 3 đại học, chàng sinh viên bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử với số vốn 7 triệu đồng.
Đến giờ, khi đã là một trong những gương mặt được giới thương mại điện tử “biết mặt, đặt tên”, chàng trai 9X vẫn nhớ như in “cú tát lịch sử”, khiến cậu phải “bẻ lái” giữa chừng, để giờ đây trở thành một người kinh doanh thành công trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến.
“Khi mới ra trường, tôi luôn mơ ước sẽ kiếm được một công việc đúng ngành nghề, mức lương nghìn đô/tháng. Tôi nộp đơn vào một công ty. Sau cuộc phỏng vấn, họ trả lương 4 triệu/tháng; thử việc 2 tháng hưởng 80% lương. Vỡ mộng mức lương nghìn đô, tôi quyết định quay lại bán hàng online”, Kiên nhớ lại.
Năm 2017, thương mại điện tử bắt đầu manh nha với sự xuất hiện của các sàn Sendo, Lazada, Shopee… Chàng trai 9X đầu tư thời gian, công sức vào việc nghiên cứu sự phát triển của thương mại điện tử và cách vận hành của các nhà bán trên sàn.
Song song đó, anh chuyển các mặt hàng sang bán trên các sàn này. Kinh nghiệm chạy SEO Google ngay lập tức được Kiên áp dụng. Lúc đó, Kiên đã sốc vì đơn hàng về liên tục, ngày tầm 100 – 200 đơn. Có thời điểm cán mốc 2.700 đơn/ngày, anh phải đóng 3 ngày mới xong hết số hàng trong toàn bộ chiến dịch Sendo thời điểm đó. Sau 6 tháng, Kiên mua được ô tô, và sau 1 năm, anh đã mua được nhà.
Theo Kiên, trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là nắm bắt thời cơ. “Tôi đã từng trải qua cảm giác bán mãi mà không ai mua, đăng mãi cũng không có ai hỏi đến hàng. Đến khi chứng kiến cả nghìn đơn/ngày đổ về thì tôi nhận ra: Khi thời cơ đến, nếu bạn không làm thì người khác sẽ làm ngay lập tức”, Kiên nói.
Qua một chặng đường kinh doanh không phải dài nhưng cũng đầy trải nghiệm, giờ ngồi ngẫm lại Kiên thấy rằng, người trẻ khởi nghiệp gặp vô vàn thách thức. Họ luôn phải đối diện với sự cô đơn khi bắt đầu khởi nghiệp, hầu như không được mọi người ủng hộ. Không chỉ vậy, do nguồn vốn ban đầu hạn hẹp nên bắt buộc một người phải làm nhiều việc, tiết kiệm tối đa chi phí. Đặc biệt, người trẻ khởi nghiệp dễ bị vấp ngã vì kinh nghiệm chưa nhiều. Sau mỗi lần vấp ngã dễ bị nản chí và xuống tinh thần.
Tuy nhiên, các startup cũng có không ít thuận lợi, vì họ có sức trẻ, có thời gian, chưa bị áp lực quá lớn về chuyện gia đình. Đặc biệt, các bạn rất nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội…
Các startup phải dám nghĩ, dám làm và dám thất bại
Giờ đây, khi dịch Covid-19 hoành hành, ở góc độ là người kinh doanh trực tuyến chuyên nghiệp, Kiên chỉ ra rằng, Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và nhu cầu mua sắm của khách hàng. Mọi người sẽ quan tâm đến các vấn đề thiết yếu trước và giảm nhu cầu chi tiêu cho mua sắm, dịch vụ. Đây là giai đoạn khó khăn với tất cả doanh nghiệp nói chung. Riêng với doanh nghiệp startup, dịch Covid-19 sẽ giảm cơ hội tiếp cận với thị trường, khó khăn trong việc huy động vốn.
“Tuy nhiên, kinh doanh online cũng là lợi thế duy nhất tại thời điểm này. Covid-19 chính là cú hích mạnh mẽ dịch chuyển xu hướng tiêu dùng mua sắm online. Kể cả những ngành hàng như thực phẩm tươi sống, nếu như ngày trước mọi người thường có xu hướng đến tận nơi lựa chọn sản phẩm trực tiếp, thì bây giờ hoàn toàn có thể đặt online qua vài cú click chuột”, Kiên nói về cơ hội của doanh nghiệp kinh doanh online trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Nhưng theo Nguyễn Trung Kiên, việc lập một shop trên sàn thương mại điện tử không khó, tuy nhiên cách vận hành việc bán hàng sao cho hiệu quả lại là cả một vấn đề. Ngoài việc nắm rõ chính sách của từng sàn, nhà bán cần phải biết đến cách tối ưu hình ảnh, content, từ khóa, và marketing sản phẩm trên sàn.
Chính bởi vậy, với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Kiên đã tạo ra nhóm, cộng đồng kinh doanh trên sàn để chia sẻ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh bài bản, giúp mọi người có cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết về việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, truyền động lực khởi nghiệp, đồng hành cùng các bạn trẻ trong những giai đoạn khó khăn.
Đưa ra những lời khuyên đối với những startup trẻ đang và sẽ theo con đường này, Kiên cho rằng các bạn cần chuẩn bị kiến thức nền tảng về lĩnh vực thương mại điện tử. Phải nghiên cứu kỹ thị trường và nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, phải nghĩ về mục đích mình mong muốn để đưa ra mục tiêu cụ thể, tránh nản chí. “Và để thành công, các startup phải dám nghĩ, dám làm, và dám thất bại…”, Kiên chia sẻ.
Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, để thị trường thương mại điện tử trong nước phát triển, các doanh nghiệp cần tập trung gia tăng trải nghiệm khách hàng, tạo ra ứng dụng giúp khách hàng mua sắm nhanh chóng, thuận tiện hơn. Nâng cao những dịch vụ chăm sóc khách hàng trước và sau bán.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước có thể liên kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất trong nước để không bị phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có thêm các chuyên ngành đào tạo về thương mại điện tử, giúp các bạn trẻ có kiến thức và tiếp cận sớm trước khi khởi nghiệp”, Nguyễn Trung Kiên nói.