Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp cần được tăng liều 'thuốc bổ' để nâng cao sức đề kháng
(DNTO) - Hơn 85.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng là con số được Tổng cục thống kê vừa báo cáo. Chưa kể, đợt sóng Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, khiến các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng kiệt quệ hơn bao giờ hết.
Liên tục trong nhiều tháng qua, diễn biến căng thẳng của đợt tái bùng phát đại dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều đó khiến sức chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng mỏng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ồ ạt bị "khai tử" vì đói vốn.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), cho rằng dù Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ, song các gói cứu trợ vẫn chưa đủ liều. Bên cạnh đó, quá trình triển khai rất chậm và còn vướng mắc. Do đó cần thiết lúc này là phải tăng liều hỗ trợ và hỗ trợ thực chất hơn nữa.
"Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Các gói hỗ trợ bổ sung được triển khai cùng một lúc vào thời điểm này với những giải pháp kịp thời, cấp thiết sẽ là nguồn lực tiếp sức cho doanh nghiệp vượt bão Covid-19", ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.
Do đó, để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, trong đơn kiến nghị Chính phủ ngày 29/8, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã liệt kê các khó khăn đang gặp phải như: ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động; chi phí tăng cao do những phát sinh xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ"; tạm ngừng hoạt động, nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động; nhiều doanh nghiệp có doanh thu cán mốc 0%...
Trong lúc doanh nghiệp khó khăn đến như vậy, trả lương và chu cấp cho người lao động cũng là góp phần cùng Chính phủ chống dịch, cùng hướng tới chiến thắng cuối cùng.
“Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng cơ chế hỗ trợ khẩn cấp để cứu doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn này, ổn định để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì ổn định đời sống cho người lao động” - đơn kiến nghị nêu và đề nghị Chính phủ hỗ trợ cụ thể như: cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội…
Đối với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp xin miễn thuế giá trị gia tăng trong năm 2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.
Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1.8.2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch; cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi);
Đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2 - 3% kể từ 1.8.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Để giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, doanh nghiệp kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc xin đầy đủ thì Chính phủ cần cho phép người lao động đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm đủ 1 mũi và phải thưc hiện nghiêm túc 5K. Người lao động và đại diện doanh nghiệp được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi và phải thực hiện nghiêm túc 5K.
Theo khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, trong đợt tái dịch Covid-19 lần thứ 4 này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...