Các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đủ liều
(DNTO) - Theo các chuyên gia, hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu vẫn tập trung vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021, nhưng chưa tính tới làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4. Vì vậy, chưa đủ để vực dậy doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế.
Doanh nghiệp ‘nín thở’ chờ dịch qua
Chia sẻ trong Tọa đàm Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021, sáng 30/7, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp đang kiệt sức để đối phó với dịch bệnh, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các trung tâm kinh tế quan trọng, các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An… .
Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
“Doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng bởi không chỉ phải duy trì sản xuất, quan trọng nhất với họ là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương phục vụ khách hàng quốc tế, nhưng tắc nghẽn xuất khẩu sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.
Dự đoán tình hình những tháng cuối năm vẫn tiếp tục khó khăn do Việt Nam chưa đạt đến đỉnh dịch, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) cho biết, công ty đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường trong nước.
Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ”, vì một số khâu có công nhân không thuộc biên chế của công ty như bốc vác, vận chuyển...
“Ở kênh phân phối, khi đưa hàng về các kho trung chuyển thì có ca dương tính nên hàng hóa bị kẹt. Chỉ thị 16 kèm Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM thắt chặt về quy định giao hàng, chúng tôi chỉ làm việc đến 4 – 5g chiều nên cũng gặp khá nhiều khó khăn”, ông Long cho biết.
Với các doanh nghiệp bất động sản, từ giờ tới cuối năm, việc phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lượng giao dịch trên thị trường. Vì vậy, chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát thì thị trường bất động sản mới đón được làn sóng mới.
“Với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó vì nhiều khách hàng muốn đến thăm dự án, sau đó tiến hành các thủ tục… Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ chỉ có thể tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc, và nhiều chủ đầu tư cũng đang chờ để tung hàng ra”, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho hay.
Doanh nghiệp cần gói “trợ thở” lớn hơn
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, sau gói hỗ trợ 62.000 tỷ và gói 16.000 tỷ, hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ mà Chính phủ vừa đưa ra có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc nghiên cứu để sửa 6 luật với 6 lĩnh vực khác nhau cho thấy Chính phủ đang có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình cải cách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, các gói hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý 3, tuy nhiên lại chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
“Vì vậy, các gói hỗ trợ doanh nghiệp này chưa đủ liều. Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Hiện giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia của VCCI cũng lưu ý đến việc đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vaccine, cấp “hộ chiếu vaccine” cho doanh nghiệp và đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
“Doanh nghiệp hiện đang đương đầu với cả rừng chi phí, giá như nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, như vậy chính sách sẽ đến ngay được với doanh nghiệp. Những chương trình hỗ trợ này rất có ý nghĩa, chính sách cần phải thuận tiện và đi vào cuộc sống tốt hơn nữa”, ông Tuấn cho hay.
Đồng tình với quan điểm cần có gói “trợ thở” mạnh hơn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, ngoài Nghị quyết 52 về giãn, hoãn thuế, Chính phủ cần nghiên cứu các gói hỗ trợ mới, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt.
Ông Lực cũng lưu ý đến việc Chính phủ cần kiểm soát các hiện tượng nóng gần đây trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán để đề phòng xảy ra “bong bóng”. Đồng thời tiếp tục theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.
“Hiện kinh tế thế giới đang phục hồi tương đối tốt, điều này đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vaccine Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý 3 thì đến quý 4 sẽ có sự phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh.