Doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhận được thêm từ các gói hỗ trợ
(DNTO) - Các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ như tiếp tục điều chỉnh giảm thuế, tăng cường các gói hỗ trợ và giảm lãi suất tín dụng...
Doanh nghiệp vẫn “bí”
Sau một năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19, kinh tế của Việt Nam đang dần phục hồi và ổn định. Theo đánh giá, khối doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất, chính vì vậy, các doanh nghiệp đã thận trọng hơn trong năm 2021 khi ưu tiên chiến lược xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và lên các kịch bản kinh doanh dài hạn. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ như vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm thuế, tăng cường các gói hỗ trợ và giảm lãi suất tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn.
Qua một khả sát, có đến 86,4% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 13,6% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thương, đại diện công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển du lịch Việt Nam, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm tự nguyện trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mặt khác giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng khi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại.
“Trong giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi đã phải cho rất nhiều nhân viên nghỉ việc, tinh gọn bộ máy và chỉ giữ lại những nhân sự cốt cán để duy trì hoạt động. Đến nay, ngành du lịch vẫn còn rơi vào “thế bí”, doanh thu chưa đủ nuôi một bộ máy cồng kềnh. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ để giảm bớt gánh nặng chi phí, tận dụng nguồn lao động sẵn có”, bà Thương cho biết.
Hỗ trợ thế nào?
Trong báo cáo nghiên cứu "Các gói hỗ trợ năm 2021" của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các tác giả cho rằng, Chính phủ cần sớm xem xét ban hành các gói hỗ trợ bổ sung với quy mô khoảng 93 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,48% GDP năm 2020). Trong đó, gói tài khóa khoảng 45 nghìn tỷ đồng bao gồm: Xem xét miễn phí Công đoàn tại doanh nghiệp năm 2021; Cho phép chuyển tiếp lỗ năm 2020 sang năm 2021-2022, qua đó, giảm nghĩa vụ thuế tương ứng; Chính thức điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15-17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ năm 2021; Tăng cho vay qua Quỹ phát triển DNNVV và khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV, quy mô khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Giá trị hỗ trợ thực tế ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 4%/năm. Việc cho vay thực hiện qua Quỹ phát triển DNNVV và ngân hàng thương mại. Thời hạn cho vay tối thiểu là 1 năm, nguồn vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Riêng giải pháp giãn hoãn thuế, tiền thuê đất như đề xuất của Bộ Tài chính, khoảng 115 ngàn tỷ đồng, tương ứng giá trị hỗ trợ thực tế là 1.557 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần giảm bớt điều kiện và đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ.
Về gói tiền tệ, tín dụng trị giá khoảng 8.000 tỷ đồng bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, có lộ trình kết thúc với tiêu chí và điều kiện cụ thể.
Thứ hai, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay DNNVV, phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV
Thứ ba, thúc đẩy gói cho vay nhà ở xã hội (gói 3.000 tỷ đồng) và Bộ xây dựng chủ trì sớm đề xuất cơ chế động lực để doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Thứ tư, khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, hạ tầng viễn thông, xử lý rác thải và các lĩnh vực ưu tiên khác.
Còn theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân và tổ chức JICA, công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì một số nhu cầu đặc thù sẽ biến mất, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Từ thực tế cho thấy, với đa số doanh nghiệp, yếu tố lãi suất không hẳn quyết định hành vi đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh vào thời điểm hiện tại. Do vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng nên tập trung vào nhóm các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả.
Đồng thời, môi trường thể chế và chính sách ngành cần được cải thiện. Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính”, nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế Quốc dân và JICA nêu.
Cùng quan điểm trên, giám đốc một công ty hoạt động đa ngành tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa vẫn tiếp tục cần với mức độ mạnh hơn các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Các chính sách đa dạng hoá hình thức cho vay, các sản phẩm cho vay, đơn giản hoá thủ tục vay và thanh toán, đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn cho các doanh nghiệp.
Cần có chính sách thuế hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu, bảo đảm cho các doanh nghiệp đỡ chịu gánh nặng thuế quá lớn trong khi họ chưa có đủ lực chống đỡ.
Ngoài ra, cần hỗ các doanh nghiệp về cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng, nhà cung cấp, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể các nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp.