Thủ tục nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng như thế nào?
(DNTO) - Ngày 7/7, Chính phủ ban hành hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp về điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng.
So với gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng trước đây, nhiều thủ tục của gói mới đã được rút gọn. Thời gian xét duyệt hồ sơ vì thế cũng ngắn lại, nhanh nhất 4 ngày để chi trả tiền mặt cho nhóm hướng dẫn viên du lịch và chậm nhất 14 ngày chi hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.
Với lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, trường dân lập, tư thục các cấp phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương vì thực hiện biện pháp phòng dịch; lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa; lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi thuộc hai nhóm trên thì thời gian giải quyết là 6 ngày.
Chủ cơ sở cần lập danh sách người lao động kèm bản sao tạm hoãn hợp đồng; bản sao văn bản tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền; bản sao công chứng kèm bản gốc (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ tương ứng với nhóm thụ hưởng (xác nhận của cơ quan y tế người lao động đang mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con...).
Danh sách sau đó chuyển cơ quan BHXH xác nhận trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận hồ sơ để trình UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt và trích kinh phí. Nếu không hỗ trợ, tỉnh phải nêu rõ lý do và thông báo bằng văn bản. Riêng nhóm lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa, chủ doanh nghiệp khi nhận tiền có thêm 2 ngày để chi trả đến tay người lao động.
Chính phủ hướng dẫn, chính sách chi trả tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng áp dụng cho lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người đó đóng BHXH tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tính từ ngày 1/5 đến hết năm nay; không áp dụng cho người đơn phương nghỉ việc không đúng quy định và người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Người lao động cần làm đơn đề nghị theo mẫu, kèm bản sao công chứng hoặc mang theo bản chính (để đối chiếu) hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Ai đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách nộp lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tối đa 5 ngày, các cấp phải giải quyết xong để tiền đến tay người lao động.
Các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng một ngày. Riêng trẻ em là F0, F1 nhận thêm một triệu đồng. Hồ sơ cần bản sao chứng minh thư hoặc căn cước, giấy khai sinh, riêng F0 cần thêm giấy ra vào viện điều trị nCoV.
Cơ sở y tế, khu cách ly lập danh sách các F0 đang điều trị, F1 đang cách ly kèm một số giấy tờ theo quy định rồi gửi về UBND cấp tỉnh. Riêng F0 đã điều trị xong, F1 hết cách ly, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em gửi hồ sơ về cấp xã xác nhận trước rồi mới chuyển lên huyện, tỉnh. Quá trình các cấp xét duyệt, chi trả tối đa 4 ngày.
Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, người lao động nhiễm nCoV hoặc phải cách ly thường lâm vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Dù nhà nước chi trả chi phí khám, chữa bệnh, nơi ở, song chính sách mới vẫn cần hỗ trợ thêm để giúp lao động, trẻ em bớt lo lắng. Số tiền một triệu đồng, cho mỗi em có thể mua sắm vật dụng thiết yếu, sách truyện, đồ chơi, giảm thiểu thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần cho các em.
Viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch có thẻ (còn hạn sử dụng) nhận hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng. Hướng dẫn viên có thể tự nộp hồ sơ kèm bản sao công chứng hoặc hợp đồng bản chính (để đối chiếu). Cơ sở nơi viên chức làm việc lập danh sách gửi Sở Văn hóa Thể thao Du lịch thẩm định, trình UBND tỉnh xét duyệt.
Thời gian giải quyết 4 ngày với hồ sơ của hướng dẫn viên và 5 ngày với viên chức hoạt động nghệ thuật.
Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng. Chủ hộ làm giấy đề nghị hỗ trợ, gửi chính quyền cấp xã xác nhận. Danh sách các hộ sẽ được niêm yết công khai, sau đó chuyển lên cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Cần 9 ngày để bốn cơ quan gồm Chi cục Thuế, ủy ban cấp xã, huyện và tỉnh xét duyệt, thẩm định và chi trả tiền.
Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Hồ sơ gồm giấy đề nghị vay vốn, danh sách lao động ngừng việc, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc.
Doanh nghiệp sau đó gửi hồ sơ để BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng chính sách xã hội để cơ quan này phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo. So với gói 62.000 tỷ, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp.
Kinh phí dành riêng cho chính sách này khoảng 7.500 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng gói 26.000 tỷ, từ nguồn vay tái cấp vốn, không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0% từ Ngân hàng Nhà nước. Trong ngày hôm nay, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ ban hành hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp, tập huấn cho cán bộ, tỉnh thành và đơn vị liên quan về quy trình cho vay.
Hồ sơ, thủ tục liên quan 3 chính sách bảo hiểm xã hội gồm giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất hay đào tạo nâng cao tay nghề duy trì việc làm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Qũy hưu trí, tử tuất với điều kiện giảm 15% lao động tham gia BHXH. Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị cho cơ quan BHXH và một bản cho Sở Lao động Thương binh Xã hội để giám sát. Thủ tục được giải quyết trong vòng 5 ngày từ thời điểm nộp hồ sơ.
Riêng gói hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề mất thời gian hơn để thẩm định và chuyển kinh phí, tổng cộng 14 ngày vì các cấp phải xét duyệt phương án đào tạo lao động do doanh nghiệp đề ra.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 7/7, nên doanh nghiệp, người lao động có thể chuẩn bị giấy tờ, làm hồ sơ ngay thời điểm này để được hỗ trợ. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chiều cùng ngày cho biết, sau hướng dẫn sẽ không thêm văn bản nào nữa, tránh làm phức tạp thêm quy trình.
Sau gói an sinh 62.000 tỷ hồi tháng 4 năm ngoái, đây là gói hỗ trợ thứ hai được tung ra sau một năm rưỡi Việt Nam đối mặt với bốn làn sóng Covid-19. Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, đợt dịch mới nhất đã tác động tiêu cực tới 12,8 triệu người gồm mất việc, giãn việc, giảm thu nhập, giảm giờ làm.