Doanh nghiệp kiến nghị tới Thủ tướng, đề xuất chính sách hỗ trợ thiết thực
(DNTO) - Có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua.
Có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Đây là một câu trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, do ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Phó chủ tịch Hội đồng tư vân cải cách hành chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT ký ngày 30/6/2021.
Nhận định này dựa trên khảo sát của Ban IV với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong tháng 6/2021.
Lý do của việc này, theo sự lý giải của Ban IV với Thủ tướng, có thể là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch.
“Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị”, Ban IV kiến nghị.
Ngay trong phần kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã nhắc đến thực tế khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng. Mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã ban hành, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh, một số ngân hàng thương mại đã thông báo "đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19" nên dừng giải ngân.
“Mong Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021”, Ban IV gửi kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.
Các kiến nghị kéo dài thời hạn của chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết 2022 (như thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí đặc thù từng ngành...) cùng với đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương phối hợp xây dựng các quy trình “luồng xanh” (ưu tiên) cho hàng hóa xuất nhập khẩu để hỗ trợ tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch”, kiến nghị của Ban IV viết.
Song song với đó, việc cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp, người lao động cũng được đề xuất.
Bên cạnh các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn, nhằm phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.
Đặc biệt, doanh nghiệp đang mong mỏi các chính sách hỗ trợ cụ thể liên quan đến người lao động được thực hiện sớm.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban IV viết: Các doanh nghiệp đồng thuận đề xuất người lao động tại các doanh nghiệp mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng BHXH, BHYT... được giữ lại quyền khám, chữa bệnh theo giá trị của thẻ BHYT ít nhất tới hết năm 2021. Chính phủ phê duyệt sớm đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các chương trình hỗ trợ người lao động, đồng thời xem xét trình Quốc hội sớm tại kỳ họp tháng 7 này 2 nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội cũng từ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ban IV cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện ngay các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh; ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị “đóng băng” hoạt động trong dịch như du lịch, dịch vụ du lịch... để được vay mà không cần điều kiện nào bởi do yêu cầu phòng chống dịch, hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải đóng cửa hoạt động, hoàn toàn không có nguồn chi trả cho người lao động.
Ngoài ra, liên quan đến công tác hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hiệp hội còn mong đợi Chính phủ ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ cho người lao động bị cách ly về chi phí xét nghiệm và chi phí lương cơ bản trong những ngày không lao động được do yêu cầu cách ly.