Lối đi nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ 'thoát hiểm' giữa bão Covid-19?
(DNTO) - Làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, một lần nữa đẩy "sức khỏe" của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vào trạng thái báo động. Để không bị "chết yểu", bài toán đặt ra cho các SME cần phải có chiến lược như thế nào để tìm cơ trong nguy?
Qua 4 đợt càn quét của đại dịch Covid-19, những hạn chế về nguồn vốn, nhân lực và thị trường là nguyên nhân khiến nhiều SME đã bị "khai tử".
Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), trên 100 doanh nghiệp cho thấy, trong đợt dịch lần thứ 4, có đến 84% doanh nghiệp SME gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%.
Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dựa trên 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hơn 87%, trong đó SME – chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp, là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời Covid-19”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, để ra khỏi cơn "ác mộng" như hiện nay, các SME không thể ngồi yên chịu trận, mà phải chủ động đặt nền kinh tế dưới những giả định dịch bệnh khác nhau để lên kế hoạch phù hợp.
Theo đó, ông Hiếu đưa ra 2 giải pháp cho các SME. Thứ nhất, cần chú trọng nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
Chiến lược thứ 2, theo ông Hiếu, các doanh nghiệp cần có kế hoạch tài chính cụ thể. Tài chính là chỉ số để biết tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Cho nên doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và dự liệu trước chỗ nào sẽ gặp "bão", và bão cấp mấy để ứng biến.
"Đối với tình hình khó đoán trong thời điểm dịch bệnh như bây giờ thì doanh nghiệp phải tiên lượng tình huống xấu nhất và chia từng lớp chi phí để cắt, giảm. Từ đó, công ty biết được có thể bị hao hụt bao nhiêu, cần làm gì để tìm nguồn tài chính hỗ trợ từ sớm hơn. Nếu họ có kế hoạch rõ ràng, thông tin minh bạch, thì cũng không gặp khó khăn khi giải trình với ngân hàng để xin hỗ trợ", ông Hiếu phân tích.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Traphaco cho hay, doanh nghiệp cần linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh bằng sự chủ động trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời, giữ vững mối liên kết với khách hàng và chỗ đứng trên thị trường.
Bà Thuận dẫn chứng, Tổng Công ty May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó với mặt hàng veston, sơ mi cao cấp thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu..., vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch, vừa giúp doanh nghiệp duy trì được doanh thu.
Cũng theo bà Thuận, văn hóa doanh nghiệp chính là “hệ miễn dịch” giúp doanh nghiệp khỏe mạnh vượt qua khủng hoảng, nếu người lãnh đạo chú trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp, biết cách kích hoạt, dẫn dắt và phát huy, nhân viên sẽ sẵn sàng hết lòng "chiến đấu" vì sự sống còn của doanh nghiệp.
Bà Thuận nhấn mạnh, các SME cần phải tự mình "lột xác" về tư duy kinh doanh, phương thức quản lý doanh nghiệp để phù hợp với điều kiện mới, đặc biệt đề cao tính liên kết chuỗi, cần tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp để phát huy sức mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme) bày tỏ, Chính phủ cần tăng "liều" hỗ trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp bằng các chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh; cho phép giãn nợ năm 2021-2022... Đặc biệt, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp.
Ngoài giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, để vượt qua khủng hoảng, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh việc tối ưu hoá nguồn lực, tập trung vào các khu vực, phân khúc và các dự án để tránh giảm năng suất. Qua đó, doanh nghiệp không bị giảm doanh số bán hàng, các dự án đầu tư cũng sẽ liên tục tăng.
Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi với doanh nghiệp cũng là điều hết sức cần thiết.
"Phải luôn chủ động nguồn nguyên liệu để tránh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, duy trì lực lượng lao động sản xuất, triệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp, tận dụng mạng xã hội để kết nối với nhà phân phối, đối tác cũng như khách hàng..."- ông Mạc Quốc Anh cho hay.