Bước lên 'nấc thang' chuyển đổi số vẫn là thách thức đối với các SME
(DNTO) - Điều chỉnh để thích nghi với môi trường, hoàn cảnh mới là thách thức sống còn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trước đại dịch Covid-19, chuyển đổi số trong sales và marketing chính là "bước đệm" đầu tiên tạo sức bật giúp SME phục hồi và tăng tốc.
SME cần chuyển đổi số để lột xác thành "cá lớn"
"Bóng đêm Covid" khiến các doanh nghiệp nhanh chóng "số hoá" chuyển mình, nhằm tạo ra bước nhảy vượt bậc về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi bản đồ năng lực cạnh tranh của các tập đoàn công ty lớn trên thế giới.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực đã bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình để hoà vào dòng chảy chuyển đổi số của thế giới.
Tại chương trình CEO Exchange cùng HANOIBA với chủ đề “Chuyển đổi số trong sales & marketing cho doanh nghiệp SME" ngày 20/8, ông Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình) - Chủ tịch HĐQT NextTech Group đã nhận định, dịch bệnh Covid-19 như là một "cú huých" bằng cả chục năm xã hội "kêu gào" chuyển đổi số. Và đây là cơ hội vàng để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới.
"Trong quá khứ, các doanh nghiệp công nghệ từng phải đi "đốt tiền" để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, đại dịch giúp họ làm điều này một cách rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. Vết thương từ cuộc khủng hoảng này chưa biết bao giờ mới kết thúc. Ngay kể cả kết thúc rồi nhưng vết sẹo của nó khiến tất cả các doanh nghiệp phải phòng ngừa, duy trì các kênh online song song với offline", Shark Bình cho hay.
Cũng theo Shark Bình, thống kê thời gian sử dụng điện thoại của người Việt trung bình là 9 tiếng đồng hồ/ngày, tức là đại đa số thời gian của khách hàng chủ yếu dành cho điện thoại. Chính vì vậy "khách hàng ở đâu, chúng ta phải có mặt ở đó". Đó là nguyên nhân thúc đẩy chuyển đổi số, bởi Covid-19 có thể "giết số doanh nghiệp nhiều hơn số người mà nó giết", nhất là các SME. Do đó, "chúng ta bán hàng hay là chết" và khẳng định: "Chúng ta phải bán hàng bằng online, bằng chuyển đổi số".
Tuy nhiên, Shark Bình cũng chỉ ra rằng, những hạn chế trong áp dụng và triển khai công nghệ đã khiến không ít SME loay hoay tìm lối đi cho doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.
Thực tế cho thấy, 99% doanh nghiệp SME đang gặp khó khăn về vốn, nên họ thường cho rằng chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn nên ưu tiên đầu tư vào các hình thức tăng trưởng ngắn hạn. Ngoài ra, chưa nhìn thấy hiệu quả ngay cũng là một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp SME chần chừ khi bước vào cuộc chơi chuyển đổi số. Bởi tâm lý e ngại, sợ không hiệu quả, tốn kém… Mặt khác, các lãnh đạo SME chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số.
"Lỗi của các CEO đó là thường hay giao phó cho nhân viên trong doanh nghiệp thực hiện công tác chuyển đổi số, thay vào đó, chính ông chủ hãy trực tiếp xắn tay vào làm để bản thân mình phải "đọc vị" được phương pháp, cách sử dụng trước khi chuyển giao cho nhân viên cấp dưới" - Shark Bình chia sẻ.
Theo đó, Shark Bình đưa ra 4 "trụ cột' chuyển đổi số dành cho các startup, SME.
Thứ nhất là dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm trực tuyến sẵn có, do cách startup cung cấp trên thị trường; Thứ hai là tìm kiếm đối tác tư vấn chuyển đổi số.
Shark Bình đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp không nên nóng vội, ồ ạt "số hoá" bởi dễ thất bại, bởi đây là cả quá trình chứ không phải ngày một, ngày hai.
"Chúng ta còn nhớ câu chuyện PNJ từng nóng vội khi triển khai chuyển đổi số với dự án hàng triệu đô, tuy nhiên, quá trình triển khai có rất nhiều bất cập khiến PNJ lao đao một thời gian" - Shark Bình dẫn chứng.
Thứ ba là săn giám đốc cao cấp về công nghệ; Thứ tư là tìm đối tác tri kỷ về chuyển đổi số
Shark Bình liên hệ đến các hãng taxi truyền thống, trước sự đe dọa của Uber, Grab, đã tìm đến các doanh nghiệp công nghệ, để cùng nhau phối hợp, làm ra các nền tảng công nghệ để cung cấp xe, đó chính là mối quan hệ cộng sinh cùng nhau vượt qua khó khăn một cách hiệu quả.
"Chuyển đổi số đúng và trúng trong sales & marketing cho SME, sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, tạo đà cho SME trở thành “cá lớn” dễ dàng" - Shark Bình nhận định.
Cuộc chiến doanh thu và hút khách
Doanh nghiệp khởi nghiệp được đánh giá là đối tượng có nhiều tiềm năng thành công như: Thừa hưởng nền công nghệ tân tiến, kinh nghiệm kinh doanh xương máu từ các doanh nghiệp đi trước, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiệt huyết,… với rất nhiều lợi thế, tuy nhiên, các SME vẫn không gặt hái được trái ngọt, ngay cả trước thời điểm dịch Covid-19 chưa ập đến.
Chỉ ra nguyên nhân thất bại của các SME trong sales & marketing, ông Lê Hồng Quang - Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty CP MISA cho rằng, việc làm thất thoát thông tin khách hàng; chưa có quy trình bán hàng bài bản; thời gian chốt deal kéo dài dẫn đến tỷ lệ thắng thấp; thiếu sự liên kết giữa các bộ phận dẫn đến phục vụ khách hàng tốn thời gian công sức... là những rào cản "ghìm" doanh thu của các doanh nghiệp.
Theo đó, để đưa ra giải pháp, ông Quang nhận định, chuyển đổi số sẽ giúp SME giải quyết bài toán về sales. Cụ thể, chúng ta phải "số hóa" dữ liệu khách hàng thành hệ thống lưu trữ một cách bài bản, để bảo mật phân quyền thông tin, ngoài ra trên hệ thống sẽ ghi lại toàn bộ lịch sử bán hàng, điều này giúp ta thấu hiểu được khách hàng, đó là cách để chăm sóc và giữ chân khách hàng, tăng doanh thu hiệu quả.
Đồng thời, tự động hóa quy trình nâng cao năng suất và trải nghiệm khách hàng; báo cáo phân tích đa dạng giúp đưa ra quyết định kịp thời; tích hợp đa dạng tạo mô hình kinh doanh hoàn chỉnh.
Liên hệ với MISA, ông Quang cho hay, nhờ "số hoá" nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN đã giúp MISA xử lý đầy đủ các nghiệp vụ bán hàng một cách hiệu quả dù làm việc ở bất cứ nơi đâu.
Bàn về chiến lược "hút khách", ông Nguyễn Minh Quý – Chủ tịch HĐQT NOVAON cho hay, hậu Covid-19, hành vi khách hàng sẽ thay đổi, do vậy, để ứng phó với sự dịch chuyển không ngừng trong xu hướng hành vi, doanh nghiệp cần tăng trải nghiệm khách hàng để họ hài lòng trên tất cả các "điểm chạm" - đó là cách chăm sóc, nuôi dưỡng nhu cầu khách hàng tiềm năng để tạo ra những trải nghiệm liền mạch.
Ông Quý ví dụ, để giao dịch với khách hàng, chúng ta có những điểm chạm như: Facebook, Google, Shopee, Zalo... giúp quá trình sales và marketing trở nên thuận tiện, nhưng cũng đặt ra thử thách làm thế nào để kết nối những dữ liệu đang tản mác tại nhiều nơi thành một thể thống nhất
Hệ thống CRM (phần mềm quản lý quan hệ khách hàng) được tạo ra để giúp doanh nghiệp giải quyết thử thách này, khi có khả năng ‘đấu nối’ với nhiều kênh để thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng từ mọi nơi, đồng thời quản lý những thông tin quan trọng này tại một trang duy nhất.
Cụ thể, dựa vào những hành vi trực tuyến của khách hàng, để biết họ đang quan tâm về sản phẩm hay dịch vụ nào, từ đó có chiến thuật tiếp cận cho từng đối tượng cụ thể hoặc nhân rộng ra cho một tệp khách hàng lớn hơn. Đồng thời, phân nhóm khách hàng tiềm năng theo những đặc tính chung và tự động chăm sóc bằng chuỗi email tự động được thiết kế trước cho từng mong muốn, băn khoăn.
"Khi có hình dung rõ nét về những đối tượng bạn đang hướng tới, làm thế nào để chiếm được sự ưu ái và giữ chân họ chẳng phải việc khó khăn. Điều này cũng giống như việc bạn chủ động chuyển từ câu cá giữa đại dương bao la đầy khó đoán thành thong dong ‘buông cần’ ở vùng nước nơi bạn am hiểu tập tính của từng loại cá, cũng như cách chọn mồi phù hợp sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn" - ông Quý chia sẻ.