Nhân lực vẫn là vấn đề nan giải của ngành logistics Việt Nam
(DNTO) - Đội ngũ nhân lực logistics còn thiếu và yếu, không theo kịp sự phát triển “nóng” của ngành, khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nước ta còn hạn chế, đặc biệt khi Việt Nam mở cửa hội nhập với quốc tế.
Nhân lực logistics chỉ đáp ứng 10% nhu cầu
Trao đổi trong Hội thảo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”, ngày 25/8, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển logistics và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải đường biển quốc tế. Hiện nhiều cảng biển tại Việt Nam đã có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế…
Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn hạn chế, đặc biệt nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.
Hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics với nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2030 là trên 200.000 người. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Tình trạng phát triển “nóng” của ngành logistics Việt Nam kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực lớn cho ngành, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
"Nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế", ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay.
Thắt chặt liên kết giữa “3 nhà” để phát triển nhân lực logistics
Nhận định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics , ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực logistics.
“Cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ giảng viên; đặc biệt nội dung chương trình đào tạo cần tập trung vào nâng cao ngoại ngữ, các kỹ năng sử dụng các công nghệ mới và khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế để nhân lực logistics thích nghi hiệu quả hơn với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế”, ông Hải nhấn mạnh.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó có hoạt động logistics nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh chóng chuyển đổi số và phương thức hoạt động mới của dịch vụ logistics.
“VLA đã đề ra một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hợp tác quốc tế”, ông Lê Duy Hiệp thông tin.
Đề xuất giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI-VLA), Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng cần thắt chặt sự liên kết giữa “3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cần hướng đến thích ứng trước những biến động và rủi ro.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
Để đạt được các mục tiêu này, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể trong đó có nhóm nhiệm vụ “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” với 7 giải pháp cụ thể.
Đồng thời, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA). Với sự ra đời của VALOMA, kỳ vọng sẽ tạo ra một “bước nhảy” trong hoạt động cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho ngành logistics.