TS. Nguyễn Tường Bách: 'Việt Nam vẫn sẽ tự tin nằm trọn trong chuỗi cung ứng sau dịch'
(DNTO) - Đó là những chia sẻ của TS. Nguyễn Tường Bách trong buổi tọa đàm online "Sống chung với Covid - Nhận định và dự báo" với các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.
Buổi tọa đàm online "Sống chung với Covid - Nhận định và dự báo" được tổ chức bởi Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA-HCM), diễn giả của buổi tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách – tác giả, dịch giả và nhà nghiên cứu Phật học. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo YBA-HCM và hàng trăm hội viên, doanh nhân tham gia.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Tường Bách đã có những đánh giá sơ bộ về tác động của Covid-19 lên toàn cầu sau gần 2 năm sống cùng với dịch.
Theo TS. Bách, hiện nay chúng ta đang đánh giá dịch bệnh thông qua số ca nhiễm hàng ngày. Nhưng trong thời gian tới, chỉ số đánh giá sẽ thay đổi bằng tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Điều đó cho thấy biện pháp lâu dài là chấp nhận và sống chung với đại dịch.
Diễn giả cho biết: "Dịch Covid-19 tác động nhiều lên các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, kinh tế Trung Quốc, nơi được cho là phát xuất của dịch bệnh sau một thời gian oằn mình chống đỡ cũng đã khôi phục lại gần như hoàn toàn.
Trong cơn đại dịch, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành hàng không, du lịch, khách sạn, F&B, nghệ thuật,… Đến nay, tại nhiều quốc gia, một số ngành bị tác động đã trở lại guồng quay phục hồi, nhất là ngành hàng không với cơ chế hộ chiếu vaccine. Hiện nay Singapore đã chính thức áp dụng hộ chiếu vaccine cho du khách đến đảo quốc Sư tử, tôi cho rằng đây là một bước tiến lớn".
"Phía còn lại, ngành hưởng lợi lớn nhất là giao dịch và buôn bán online. Tại CHLB Đức nơi tôi sống, trước đây không ai nghĩ đến việc giao dịch online, nhưng những năm gần đây chúng tôi mua mọi thứ qua không gian mạng, thậm chí là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Kinh doanh trên mạng đang trên đà bùng nổ nhờ sự thuận tiện của mình. Bộ mặt trung tâm thành phố đang dần thay đổi, các đại siêu thị dần biến mất, các cửa hàng truyền thống đang lép vế. Nhìn xa hơn, có thể thấy kiến trúc và cấu trúc đô thị đang thay đổi" - tiến sĩ Bách chia sẻ.
Điều khiến ông bất ngờ nhất là bất chấp các hệ quả do đại dịch gây ra, đó là giá bất động sản gia tăng trên toàn cầu, tăng 20-25% so với đại dịch. Ông cho rằng việc tăng giá này có thể do chịu sự tác động của việc các đồng tiền số manh nha phát triển và sự gia tăng của nợ công. Ông dự đoán có thể trong khoảng 5 năm nữa, hệ thống tiền tệ thế giới, nhất là đồng Nhân dân tệ và đồng Euro sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ tiền kỹ thuật số.
Ông cũng chia sẻ thêm về một số xu hướng bắt đầu được biết tới từ khi Covid-19 bùng phát như Home Office (làm việc tại gia), Homeschooling (học tại gia). Một số doanh nghiệp lớn cho biết họ cân nhắc việc cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà hoặc đến công sở ngay cả khi đại dịch đã kết thúc. Từ đó, TS. Bách cho rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số (Digitalization) sẽ tăng tốc trong thời gian tới, cơn đại dịch đã tiếp thêm sức cho xu thế của cuộc cách mạng số này. Đồng thời, Đông Nam Á sẽ nhanh chóng trở thành điểm nóng của thế giới, vừa là nguy cơ xung đột, vừa là nơi tiềm năng để trở thành trung tâm kinh tế thứ tư thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Việt Nam vẫn sẽ tự tin nằm trọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau cơn đại dịch này
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách
Về Việt Nam, TS. Nguyễn Tường Bách dự đoán rằng nếu sớm có thể triển khai hộ chiếu vaccine, nền kinh tế, xã hội sẽ sớm trở lại "bình thường mới".
"Tôi dự báo chậm nhất là cuối năm 2021 chúng ta sẽ thực hiện được, và Việt Nam vẫn sẽ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp thắc mắc rằng liệu sự gia tăng số ca mắc và tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam có ảnh hưởng đến cái nhìn của thế giới về chúng ta không. Tôi xin nói ngay rằng ngay tại nước Đức nơi tôi đang sống, Việt Nam vẫn là một điểm sáng về đầu tư và cung ứng. Vì thế tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, Việt Nam nếu thực hiện tốt các biện pháp chống dịch thì chúng ta vẫn tự tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - TS. Nguyễn Tường Bách khẳng định.
Cuối buổi tọa đàm, TS. Bách đánh giá trong tình hình hiện nay, vaccine chính là chìa khóa duy nhất để khống chế đại dịch và Nhà nước cần phải ưu tiên hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng lao động, vì đây là lực lượng nòng cốt cho chuỗi sản xuất của Việt Nam.