VNDIRECT: Dệt may Việt Nam có cơ hội giành được thị trường từ các đối thủ cạnh tranh
(DNTO) - Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng VNDIRECT kỳ vọng rằng, những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ, sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc trong nửa cuối năm 2021.
Theo phân tích của VNDIRECT, các nhà xuất khẩu dệt may của Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ mất phần lớn đơn hàng vào tay các đối thủ như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa hoặc hoạt động chỉ với 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm Covid-19 mới.
Theo Economic Times, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ ở Tamil Nadu và Karnataka đang lo ngại đơn đặt hàng của họ sẽ giảm một nửa trong 6 tháng cuối năm vì không thể gửi mẫu tới các thương hiệu thời trang để chuẩn bị bộ sưu tập mới.
Ngành dệt may của Myanmar đang phải đối mặt với cùng lúc 2 vấn đề lớn: số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và tình hình chính trị bất ổn từ tháng 3/2021. Trong nửa đầu năm 2021, số công nhân làm việc làm trong các công ty dệt may Myanmar ước tính giảm 31% so với cùng kỳ do các nhà máy đóng cửa.
Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng VNDIRECT kỳ vọng rằng, những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.
VNDIRECT cho rằng Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG (TNG), Công ty CP May Sông Hồng (MSH), và Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), có thể là những doanh nghiệp hưởng lợi nhất vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế - những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.
Thị trường Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính của GIL, chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu của GIL trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi TNG và MSH ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong quý 2/201 một phần nhờ các đơn hàng FOB được chuyển từ Ấn Độ và Myanmar sang Việt Nam. VNDIRECT tin rằng sự gia tăng các đơn đặt hàng nhờ sự gián đoạn nguồn cung ở thị trường Ấn Độ và Myanmar sẽ đóng góp lần lượt 20% và 15% vào doanh thu của TNG và MSH trong năm 2021.
Ngành dệt may phục hồi theo nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Mỹ và EU
Cũng theo phân tích của VNDIRECT, người tiêu dùng Mỹ và EU đã cho thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi gỡ lệnh phong tỏa. Theo Cục Thống kê lao động (BLS), chi số tiêu dùng (CPI) đối với hàng may mặc của Mỹ trong tháng 5/2021 và tháng 6/2021 lần lượt tăng 1,2% và 0,7% so với tháng trước.
Gần một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, cho phép người Mỹ được mua hàng hóa cá nhân trực tiếp tại cửa hàng, đi du lịch và tham dự các sự kiện thể thao. Nhờ đó, kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 31,16% so với cùng kỳ lên 50,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc đạt 35,3 tỷ USD (tăng 26,9% so với cùng kỳ).
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu dệt may của EU từ Việt Nam trong tháng 5/2021 và tháng 6/2021 tăng lần lượt 11,9% so với cùng kỳ và 21% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, CPI của EU trong tháng 5/2021 và tháng 6/2021 đối với quần áo và phụ kiện cũng tăng 0,41% và 0,38% so với tháng trước. VNDIRECT kỳ vọng rằng Mỹ và EU vẫn là hai thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam trong 2021-2022.