Doanh nghiệp dệt may kích hoạt phương án phòng dịch mức cao nhất
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đơn hàng đến cuối năm nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã kích hoạt phương án phòng dịch ở mức cao nhất, vừa sản xuất an toàn vừa chống dịch Covid-19.
Hiện nay, doanh nghiệp dệt may với nhà máy quy mô lớn, nhiều lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nguy cơ khách hàng lớn chuyển đơn hàng sang nước khác sản xuất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có đơn hàng, lao động không có việc làm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may đã xây dựng phương án để chủ động giảm thiểu những tác động từ dịch bệnh.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, với quyết tâm tìm mọi giải pháp giữ việc làm cho người lao động và mục tiêu duy trì được kết quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp dệt may đã xây dựng kịch bản kinh doanh cho những tháng cuối năm và năm 2022. Doanh nghiệp tích cực tuyên truyền vận động, giám sát người lao động thực hiện tốt quy định của Bộ Y tế và các địa phương. Tập trung cải thiện năng suất lao động với giải pháp tổng hợp, nghiên cứu mô hình hợp đồng sản xuất phù hợp điều kiện kinh doanh mới.
“Thách thức lần này còn lớn hơn năm 2020, bên cạnh phải lo chế độ, chính sách cho người lao động bị ngừng việc, doanh nghiệp còn phải lo hoàn thành các hợp đồng kinh tế đã ký kết. Những bài học của năm 2020 vẫn tiếp tục phát huy, tuy nhiên là không đủ trong điều kiện mới. Người lao động ủng hộ, hợp tác với cấp quản lý trong thực hiện các biện pháp phòng dịch. Người lao động làm việc và ăn ở, sinh hoạt tại doanh nghiệp để giữ được tối đa khả năng sản xuất, đây là điều kiện để duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh lan rộng ở nhiều tỉnh” - ông Lê Tiến Trường nói./.