Xuất khẩu dệt may - động lực phục hồi trong 'bão' Covid-19
(DNTO) - Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đang có đơn hàng ổn định. Có những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Do đó, mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 hoàn toàn lạc quan.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại hồi tháng 5. Các nhà máy buộc phải dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa “đội” chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương cho công nhân để giữ chân họ, rồi nơm nớp đền bù khách hàng hoặc phải đổi phương thức vận chuyển đắt hơn bằng đường hàng không để kịp thời gian giao hàng cho đối tác…
Đây là thời điểm khó khăn mà ngành dệt may phải đối mặt khi Việt Nam đương đầu với làn sóng Covid-19 bùng phát thêm lần nữa với tâm dịch lớn nhất nằm ở Bắc Giang, số ca bệnh tăng nhanh hàng ngày. Nhức nhối hơn, số ca nhiễm lây lan nhanh trong cụm các khu công nghiệp khiến rất nhiều nhà máy rơi vào tình trạng cách ly hoàn toàn, hoạt động sản xuất bị gián đoạn đột ngột, ảnh hưởng nặng nề đến việc gia công đơn hàng cho toàn bộ năm 2021.
“Chỉ cần 14-21 ngày ngưng sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất cả năm 2021. Đó là chưa kể đến việc dịch bệnh lây lan mạnh khiến doanh nghiệp có nguy cơ phải tăng số ngày cách ly, dịch Covid-19 lan rộng ở thời điểm đó khiến nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa”, ông Giang nói.
Khi công xưởng trở thành “nhà”
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngay khi làn sóng thứ 4 có dấu hiệu bùng phát, May 10 đã kích hoạt đồng bộ công tác phòng chống dịch được áp dụng hiệu quả từ những lần trước đó như: Đi qua buồng khử khuẩn, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, bên cạnh đó, điều chỉnh các ca làm việc theo khối sản xuất và khối văn phòng, điều chỉnh giờ ăn trưa để tránh tập trung một lúc quá nhiều người.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của May 10 đã chủ động xây dựng "kịch bản” để ứng phó với dịch bệnh một cách linh hoạt và hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho toàn thể người lao động. Quan trọng nhất là rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần các ca nhiễm F0, F1.
Tinh thần là làm triệt để, kiên quyết, yêu cầu cách ly F2 và thậm chí là F3 tại nhà. May 10 yêu cầu người lao động tuân thủ triệt để quy định 5K khi làm việc hay thậm chí là giải lao. Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn tối đa 4 người, trên bàn luôn có poster tuyên truyền để nhắc nhở người lao động về quy định phòng dịch.
Nói về việc ứng phó với đại dịch để không rơi vào thế “bị động” như thời điểm năm 2020, ông Thân Đức Việt chia sẻ: Xã hội dùng khái niệm “bình thường mới” để chỉ hàng loạt thay đổi về mọi mặt đời sống mà người dân phải làm quen trong dịch Covid-19.
Còn “bình thường mới" tại May 10 có nghĩa là nếu trước kia chúng tôi lập kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm, thì bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế.
“Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả ngắn và trung hạn, chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để người lao động được sản xuất các sản phẩm truyền thống, các mặt hàng là thế mạnh làm nên thương hiệu May 10, tương xứng với sự đầu tư công nghệ và thiết bị”, ông Thân Đức Việt nói.
Còn “bình thường mới” với các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM đang được triển khai bằng việc thay ca làm việc. Hiện tại, hơn 7.500 công nhân của Công ty CP dệt may Thành Công (TCM) phải chia thành 2 ca để sản xuất tại các nhà máy thay vì chỉ có 1 ca sản xuất trong ngày như trước đây.
Còn với công ty TNHH Việt Thắng Jean, nếu như trước đây mỗi ngày gần 5.000 công nhân của đơn vị này chỉ làm việc 2 ca, thì nay phải tăng lên 3 ca để thực hiện giãn cách nhưng vẫn bảo đảm tiến độ hoàn thành đơn hàng cho đối tác. Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, hiện tại, công ty đã nhận nhiều đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết quý III/2021. Mỗi ngày, Việt Thắng Jean phải xuất xưởng một lô hàng gần 30.000 sản phẩm cho các đối tác tại Mỹ, châu Âu… do đó, công nhân phải làm việc hết công suất mới kịp hoàn thành tiến độ.
Đơn hàng ổn định, động lực phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng hết quý III/2021 và nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cả năm. Thực tế này trái ngược với thời điểm năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các doanh nghiệp dệt may chỉ có đơn hàng theo tuần.
Theo Bộ Công thương, sở dĩ có sự phục hồi này là do nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép...) tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%...Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt trên 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%, vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.
Ông Vũ Đức Giang nhận định, làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, đà hồi phục của ngành dệt may sẽ không vì thế mà chững lại. “Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đang có đơn hàng ổn định. Có những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Do đó, mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 hoàn toàn lạc quan”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may, VITAS đã kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị có những chính sách tạo điều kiện cho các nhà máy trong ngành này hoạt động bình thường để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong thời gian tới.