Vì sao EVFTA chưa tạo được ‘cú hích’ cho ngành dệt may Việt Nam như kì vọng?
(DNTO) - Việc EU tăng nhập khẩu nội khối do tác động của dịch Covid- 19, cùng việc Việt Nam phải có lộ trình đáp ứng chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế của EVFTA thay vì thuế ưu đãi GSP, nên trong ngắn hạn, dệt may Việt Nam vẫn chưa tăng trưởng như kì vọng.
EU đang tăng nhập khẩu nội khối hơn ngoại khối
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, mặc dù EU là nước nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, song EU cũng là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu.
Hiện các thành viên EU nhập khẩu hàng may mặc từ các nước đang phát triển và tái xuất khẩu cho các quốc gia khác trong khối EU. Hàng may mặc các nước EU xuất khẩu nội khối chiếm tỷ trọng khá lớn và ngày càng có xu hướng tăng, hiện chiếm 40% tổng nhập khẩu của khối thị trường này. Khoảng 60% lượng nhập khẩu còn lại đến từ các nước ngoài khối EU, chủ yếu là các nước đang phát triển. Tính theo trị giá, nhập khẩu nội khối và ngoại khối hiện đang ở mức cân bằng.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2020, nhập khẩu hàng may mặc (HS 61, HS 62) của EU đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 137,8 tỷ Euro (162,4 tỷ USD); trong đó nhập khẩu nội khối đạt 2,45 triệu tấn, trị giá 81,19 tỷ USD; nhập khẩu ngoại khối đạt 3,72 triệu tấn.
Cục Công nghiệp đánh giá, dưới tác động của dịch Covid-19, xu hướng nhập khẩu nội khối của EU ngày càng tăng. Nếu tính theo khối lượng, hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường EU từ nội khối chiếm 39,76%, tăng so với tỷ trọng 37,66% trong năm 2019. Tính theo trị giá, tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường nội khối hiện chiếm 49,99%, tăng so với 48,23% trong năm 2019.
“Như vậy, xét về trị giá, tương quan hàng may mặc nhập khẩu vào EU từ thị trường nội khối và ngoại khối khá cân bằng”, Cục Công nghiệp nhận định.
Quy tắc xuất xứ của EVFTA đang làm khó dệt may Việt Nam?
Cũng theo Cục Công nghiệp, với thị trường cung cấp ngoại khối hàng dệt may đến EU, hiện các nhà cung cấp trong khu vực châu Á như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Myanmar… đang có ưu thế tương đối so với các nhà cung cấp khác.
Năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 6 vào thị trường EU, với thị phần đạt 3,06% về lượng và 4,02% về trị giá; tăng so với 2,79% về lượng và 3,90% về trị giá so với năm 2019.
Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc là “nhà cung cấp lớn” trong ngành, các thị trường khác như Bangladesh, Campuchia hay Pakistan trước đây đều có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Cụ thể, Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (Everything but Arms – Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí), Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+. Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn – Standard GSP” ở mức 9,6%.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc trung bình của Việt Nam sang EU đạt gần 9%, nhưng tỷ trọng giảm từ 11,73% (năm 2016) xuống 10,47% (năm 2020). Thuế suất cơ sở đối với hàng may mặc là 12%.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới.
Tuy vậy, Cục Công nghiệp cho biết, trong những năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực, thuế suất, thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng vẫn còn cao hơn so với thuế suất GSP 9,6% đang được hưởng. Trong khi đó, chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu.
“Như vậy, EVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU, giúp đa dạng hóa thị trường, hạn chế bớt các rủi ro khi thị trường Mỹ biến động do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa kết thúc”, Cục Công nghiệp nhấn mạnh.