Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực do Covid-19
(DNTO) - Dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua khiến nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề phải đóng cửa do thu không đủ chi. Thực trạng này làm dấy lên nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ảnh hưởng bởi Covid-19, lo ngại thiếu nhân lực nghề
2 năm vừa qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hoạt động của các trường cao đẳng, trường đào tạo nghề.
Như truyền thông đưa tin, sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta hồi tháng 3/2020, đến tháng 7-8 cùng năm, không ít trường nghề đã phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa nhiều tháng do khó khăn trong tuyển sinh, khiến nguồn thu bị sụt giảm mạnh, không đủ khả năng chi trả các khoản chi phí như lương nhân viên, mặt bằng, sinh viên không được lên lớp thực hành.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, các trường cao đẳng nghề cũng gặp phải nhiều vấn đề khác như liên kết hợp tác, trao đổi sinh viên giữa nhà trường và doanh nghiệp, công tác dự báo, tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội còn hạn chế.
Trong khi đó, điểm mấu chốt trong quá trình đào tạo nghề nghiệp tại các trường cao đẳng được xác định là 70% kiến thức liên quan đến thực hành nghề, kể cả những môn kiến thức cũng xen kẽ thực hành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, khiến việc thực tập, thực hành của sinh viên hạn chế.
Thực trạng trên làm dấy lên lo ngại về việc đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cho xã hội, đặc biệt khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi.
Giữ chuỗi cung ứng nhân lực thế nào?
Giải đáp về băn khoăn này trong Tọa đàm trực tuyến “Trường cao đẳng vượt bão Covid-19” chiều 20/7, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, sau hơn 1 năm chống chọi với dịch Covid-19, chuỗi cung ứng nguồn nhân lực cơ bản được duy trì bởi hiện các trường đào tạo nghề đã nhanh chóng thay đổi phương thức tuyển sinh và dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.
Cụ thể, thay vì tuyển sinh trực tiếp như trước đây, các trường đã thay thế bằng hình thức tuyển sinh trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.
Đối với hình thức giáo dục trực tuyến, trên thế giới, việc giáo dục trực tuyến ở bậc tiểu học, phổ thông không quá xa lạ. Tuy nhiên, trong giáo dục nghề nghiệp, ngay cả các nước phát triển hiện vẫn còn lúng túng. “Hiện Vụ Đào tạo chính quy đang tiếp nhận chương trình đào tạo chất lượng cao từ Đức, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, các chuyên gia Đức vẫn lúng túng không biết triển khai như thế nào”, ông Hùng cho biết.
Nhưng trong tình thế dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát, bắt buộc phải chuyển sang đào tạo trực tuyến, các cơ sở giáo dục nghề tại Việt Nam đã bước đầu tiếp nhận và triển khai hình thức này, mặc dù khá khó khăn khi các cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là kỹ thuật đòi hỏi thực hành trực tiếp.
Cụ thể, việc giảng dạy trực tuyến trong các cơ sở đào tạo nghề sẽ thực hiện theo phương pháp “dễ làm trước, khó làm sau”. “Trước mắt, các cơ sở thực hiện giảng dạy lý thuyết trực tuyến, thêm các phần mô phỏng, minh họa hỗ trợ. Sau đó, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các trường sẽ tổ chức học tập trung và đào tạo thực hành”, ông Hùng cho hay.
Thực tế, nhiều trường đào tạo nghề đã nhanh chóng triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến để thích ứng với bối cảnh của dịch Covid-19.
Ths Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, mặc dù việc dạy học trực tuyến sẽ gặp phải một số trở ngại liên quan đến đường truyền Internet, khả năng tương tác giữa thầy và trò, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các trường làm mới mình, tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến.
“Chúng tôi thay đổi cách giảng dạy, vì khi học trực tuyến, điều quan trọng nhất là giữ được sự tương tác giữa giảng viên và học viên cũng như các học viên trong lớp với nhau. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng dạy mới. Chúng tôi tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin giúp bài giảng của giảng viên sinh động”, ông Thành chia sẻ.
Hay như Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng đã nhanh chóng ứng dụng phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến, đào tạo cho giảng viên cách sử dụng công nghệ, thiết kế bài giảng phù hợp. Đặc biệt, trường tiến hành số hóa bài giảng để sinh viên dễ dàng tra cứu, phục vụ cho việc học mọi lúc mọi nơi.
“Hiện giảng viên có sự tiến bộ vượt bậc từ việc thiết kế bài giảng online, học viên vẫn tiếp nhận tốt các bài học, ngay cả khi không được thực hành trực tiếp vì chúng tôi đã xây dựng hệ thống video minh họa mẫu để giúp các em tiếp nhận tốt hơn”, TS Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ.
TS Vũ Xuân Hùng nhận định, đến thời điểm hiện tại, việc giảng dạy trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà là xu thế tất yếu của giáo dục. Vì vậy, Vụ Đào tạo chính quy đang thể chế hóa các quy định liên quan đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến, đánh giá trực tuyến và thi trực tuyến, thay vì như trước kia vẫn làm theo kiểu “dò đường”, vừa thử vừa làm.
“Hiện vụ đang sửa đổi thông tư về tổ chức đào tạo, đưa đào tạo trực tuyến vào quy định để giúp các trường thuận lợi hơn trong việc tổ chức đào tạo”, đại diện Vụ Đào tạo chính quy nhấn mạnh.
Thất nghiệp do Covid-19 chỉ trong ngắn hạn
Trước những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng bởi dịch Covid-19, TS Vũ Xuân Hùng cho rằng đại dịch Covid-19 đang tác động đến một số ngành nghề, lĩnh vực. Đơn cử như du lịch, khách sạn, nhà hàng, giao thông… chắc chắn khó khăn và người lao động trong lĩnh vực này mất việc, nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Số liệu thực tế cho thấy, năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng trong độ tuổi lao động là 3,55%. Nhưng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,52%. Như vậy, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước.
Thậm chí, theo ông Hùng, khi dịch được kiểm soát, các ngành nghề, lĩnh vực phát triển trở lại, đặc biệt có nhiều ngành nghề phải tăng tốc thì nhu cầu nhân lực sẽ tăng lên chứ không thể giảm đi.
Cùng chung nhận định này, Hiệu trưởng Trường FPT Polytechnic tin tưởng rằng khi dịch bệnh được đẩy lùi, nền kinh tế phục hồi thì cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Ông Vũ Chí Thành dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê Mỹ mới đây cho thấy, thời điểm tháng 5/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, số lượng đơn nộp mới thành lập doanh nghiệp hàng tháng khoảng 200.000 đơn. Sau tháng 5/2020, hàng tháng, số lượng đơn nộp mới thành lập doanh nghiệp tăng lên gấp 3, lên tới 600.000 đơn/tháng.
“Việc lựa chọn học tập tại một ngôi trường nào đó là cách học sinh nâng cấp kiến thức, để khi nền kinh tế phục hồi, người lao động sẵn sàng cho các cơ hội nghề nghiệp bùng nổ”, ông Thành cho hay.