Giúp con chọn nghề chứ không chọn nghề giúp con
(DNTO) - Hướng nghiệp, hãy dành quyền chọn lựa và quyết định cuối cùng cho con - theo chuyên gia Melvin Chia, người đã có hơn 10 năm nghiên cứu và huấn luyện trong chương trình Đào tạo hướng nghiệp sớm dành cho thanh thiếu niên Singapore.
Mùa của đất trời ai cũng biết bao gồm xuân, hạ, thu, đông. Nhưng với các cô cậu học trò thì còn có một mùa đặc biệt nữa luôn được mong đợi với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là mùa thi.
Mùa thi với học sinh cuối cấp ba còn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài sự hồi hộp lo lắng không biết đề khi khó hay dễ, làm bài được hay không kết quả thi ra sao… thì nỗi lo sau kỳ thi cũng nặng nề không kém khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn.
Trong đó học tiếp đại học hay học nghề sau khi đỗ tú tài là một lựa chọn thường gặp. Điều này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Thật ra, vào đại học không chỉ là ước mơ của bản thân các em mà còn là mong muốn của nhiều bậc cha mẹ, nhất là phụ huynh ở các vùng nông thôn, vì đó là niềm hãnh diện của cả gia đình, thậm chí là niềm tự hào của cả dòng tộc.
Tuy nhiên, sau khi đỗ tú tài, rất nhiều em do kinh tế gia đình khó khăn không thể theo đuổi tiếp con đường học vấn. Cũng không ít người tuy hoàn cảnh kinh tế khá giả, điều kiện thuận lợi nhưng sức học lại yếu không theo nổi, đành phải lựa chọn học nghề.
Học nghề gì? Vấn đề này thật sự làm đau đầu các em và cả phụ huynh. Thực tế cho thấy, số bạn trẻ trước tuổi 18 đã định hướng sẵn cho mình một nghề nghiệp để theo đuổi chiếm một tỷ lệ rất ít. Đa số các bạn rất bỡ ngỡ, bối rối, thậm chí xa lạ, khi đứng trước sự lựa chọn ngành nghề. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay: trường dạy nghề mọc lên như nấm với đủ các ngành nghề từ truyền thống đến thời thượng, cũ mới, lạ quen… không biết đâu mà lần. Vì thế có nhiều bạn đã không thể tự mình đưa ra quyết định, cuối cùng cứ học đi cái đã rồi tính sau…
Vì thế vai trò của phụ huynh trong việc giúp con chọn lựa một cái nghề là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh không phải ai cũng biết cách định hướng giúp con quyết định trong việc chọn nghề.
Thông thường sẽ xảy ra hai khuynh hướng: Một là mong muốn con nối nghiệp bố mẹ hoặc đi theo truyền thống gia đình. Hai là tuyệt đối không muốn cho con theo nghề của bố mẹ với tâm lý “ở trong chăn nên biết chăn có rận”. Một số phụ huynh trong khi giúp con chọn nghề quan tâm đến các nhóm nghề nào đang “hot”, các nghề dễ kiếm tiền, dễ xin việc, cũng có khi không cần nhiều tiền miễn “sướng” là được. Có phụ huynh đi tắt đón đầu các nghề sẽ thu hút trong tương lai…
Cho dù với cách chọn lựa nào, bố mẹ nhất định cũng phải dựa vào các yếu tố cốt lõi là sở thích và năng khiếu của con. Sở thích sẽ dẫn con đến đam mê và khát vọng. Năng khiếu biến thành sở trường, sở trường chính là năng lực giúp con làm tốt công việc. Hai yếu tố này có mối quan hệ bổ sung và nâng đỡ cho nhau. Cũng lưu ý về sức khỏe và tầm vóc của con sao cho phù hợp với nghề nghiệp mà con lựa chọn.
Giúp con chọn nghề không đồng nghĩa với chọn nghề cho con. Vai trò đúng đắn của phụ huynh là tôn trọng sở thích dựạ vào sở trường của con mà tư vấn, định hướng, khơi gợi… giúp con tự khám phá bản thân, tự đưa ra lựa chọn có trách nhiệm với sự chọn lựa đó. Cùng con tìm hiểu về các ngành nghề thông qua các hội thảo về định hướng nghề nghiệp, hội chợ việc làm…
Tuyệt đối không áp đặt sở thích, tham vọng của mình vào việc định hướng nghề nghiệp cho các con, không can thiệp thô bạo vào sự lựa chọn của con. Hãy nói cho con biết không có thành công nào là dễ dàng. Nghề nào muốn giỏi cũng cần phải trau dồi, khổ luyện. Thành công và sự nổi tiếng không có chỗ cho sự lười biếng, hời hợt.
Tóm lại, trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con, bố mẹ cần khích lệ và hướng dẫn thường xuyên, nhưng lựa chọn cuối cùng phải là của con, do con quyết định, theo Melvin Chia – chuyên gia Singapore, người đã có hơn 10 năm nghiên cứu và trực tiếp huấn luyện về chương trình Đào tạo hướng nghiệp sớm dành cho thanh thiếu niên Singapore.