Sự trải nghiệm là món quà mà cha mẹ nên sớm dành tặng cho con mình
(DNTO) - Mọi người thường nghĩ rằng giáo dục là việc của nhà trường nhưng không hẳn vậy, vai trò của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái là cực kỳ quan trọng. Với cha mẹ là doanh nhân, việc giáo dục con cái được Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm đánh giá là luôn có những trải nghiệm đặc biệt.
Ngoài sự đồng hành trên từng cây số, nội dung giáo dục con cái của doanh nhân rất phong phú, trong đó phải kể đến việc họ luôn tạo nhiều cơ hội cho trẻ tiếp cận thực tế gọi nôm na là sự trải nghiệm.
Họ nhận ra vì sao ngày xưa cuộc sống khổ thế mà họ vẫn nên người, thậm chí còn thành đạt. Chính hoàn cảnh thiếu thốn đã buộc con người phải phụ giúp cha mẹ lao động từ rất sớm. Sướng nhất là lo cơm nước, làm việc nhà, trông em để cha mẹ đi làm. Cực hơn là trực tiếp lao động phụ cha mẹ kiếm tiền. Trải nghiệm đó giúp họ biết sống có trách nhiệm, biết rút ra cho bản thân nhiều kinh nghiệm từ cuộc sống.
Ngày nay, điều kiện sống của trẻ con, nhất là trẻ con thành thị tốt hơn nhiều. Các em được bố mẹ tạo cơ hội trải nghiệm với nhiều hoạt động phù hợp như tham gia trại hè thực tế, tham gia các lớp học năng kiếu, các hoạt động tập thể, tham gia cắm trại cùng gia đình.
Anh Thanh là kỹ sư xây dựng, thỉnh thoảng có điều kiện anh cũng hay dẫn cậu con trai 10 tuổi theo ra công trường để con có dịp tiếp xúc với các cô chú, anh chị công nhân, được nhìn thấy cảnh lao động trên công trường như thế nào.
Thay vì che chở bao bọc con, thậm chí nhốt con cái trong nhà, họ tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm cuộc sống. Để con có dịp tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày, để con phát triển tư duy ứng biến với nhiều tình huống khác nhau là mục tiêu giáo dục con cái của nhiều bố mẹ doanh nhân hiện nay.
Tuy nhiên, cho trẻ trải nghiệm tức là bố mẹ buộc phải chấp nhận rủi ro và các mối nguy hiểm cũng như sự thất bại sẽ đến với con. Vì thế bố mẹ cần quan tâm giám sát và có sự hỗ trợ các con đúng lúc kịp thời.
Anh Huy Hoàng một nhà thiết kế thời trang kể: Con trai anh mới học lớp 4, không hiểu sao tự dưng cháu tuyên bố muốn sống độc lập. Sau một tích tắc bất ngờ thú vị. anh ra hiệu cho vợ chuẩn bị một ít vật dụng cá nhân cho vào ba lô và vui vẻ “tiễn” cậu bé lên đường. Anh bí mật đi sau theo dõi. Cậu bé đi một hơi ra công viên gần nhà ngồi xuống một băng đá, mở ba lô, lôi bịch bánh xì nách ra ăn. Ăn xong, cậu dớn dác nhìn bốn phía, sợ hãi và bắt đầu khóc…
Đến lúc này, anh Hoàng mới chạy lại, từ tốn trò chuyện cùng con, phân tích đúng sai. Sau lần trải nghiệm ấy, cậu bé như lớn hẳn ra, ngoan ngoãn và nhất là biết tự lập trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Chị Thu Thủy một doanh nhân có con gái vừa hơn một tuổi. Mỗi lần về nhà ngoại ở quê, cháu thích xuống đất trèo lên cái ngạch cửa. Bà sợ cháu bị ngã nên không cho. Thế là cháu la khóc, làm mình làm mẫy. Chị Thủy nhận thấy độ cao từ ngạch cửa không thể gây nguy hiểm cho bé, chị khuyên bà nên để cháu tự “trải nghiệm”. Sau khi ngã tới ngã lui không thành công, con bé loay hoay chuyển đổi tư thế, cuối cùng thì cũng leo lên được cái ngạch cửa ngồi đu đưa hai chân rất ư là toại nguyện.
Một lần khác, con bé nhất định đòi cho bằng được ăn món mì cay cấp độ của anh hai. Sau khi giải thích cho con gái hiểu món này của người lớn và rất cay nhưng con bé vẫn không chịu, chị chiều ý, đút cho nó một miếng. Con gái thè lưỡi, đỏ mặt tía tai. Thế là được dịp nốc một bình sữa, bỏ cơm. Từ đó cứ nói món nào cay là không bao giờ dám đụng tới.
Trẻ càng bị cấm đoán, càng tỏ ta tò mò, bướng bỉnh, và mong muốn được thực hiện ý đồ của nó. Cho trẻ tự trải nghiệm, trẻ sẽ biết cách học cách đứng dậy khi bị té ngã, sẽ tạo ra những đứa trẻ độc lập và tự tin trong cuộc sống.
Rất nhiều nhà tâm lý giáo dục đã chỉ ra cái khoảng cách rất lớn giữa việc con trẻ được học qua những lời chỉ bảo của cha mẹ và việc học bằng sự trải nghiệm của bản thân. Vì thế, không chỉ bố mẹ doanh nhân mà bất kỳ bố mẹ nào cũng nên tham khảo.