Các doanh nhân đã dạy con tiết kiệm như thế nào?
(DNTO) - Muốn nuôi dưỡng bản năng kinh doanh trong con cái, cha mẹ cần rèn luyện cho con nhiều đức tính, trong đó không thể không kể đến tính tiết kiệm. Hãy xem các doanh nhân nổi tiếng dạy con tiết kiệm như thế nào?
Cũng như bất kỳ ngành nghề nào, kinh doanh cũng cần có năng khiếu. Tìm ra những đứa trẻ có năng khiếu kinh doanh, gieo vào tâm trí con mầm ý tưởng trở thành doanh nhân, giúp chúng phát triển xa hơn, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các bậc phụ huynh. Bởi vì nhà trường chỉ có nhiệm vụ cung cấp kiến thức, dạy kỹ năng sống cho trẻ… Kiến thức về quản lý tiền bạc, một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất của cuộc sống, thường bị nhà trường bỏ ngỏ.
Cameron Herold, chuyên gia hướng dẫn cho các CEO và doanh nhân, diễn giả diễn đàn TED.com cho biết, hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông nổi tiếng học… “dở đều” các môn. Chính cha ông là người đã phát hiện ra ông rất đam mê và có khiếu kinh doanh từ bé. Trên diễn đàn của mình, Cameron Herold thường chia sẻ về thời thơ ấu với nỗ lực kinh doanh của mình. Thế là, thay vì phải lĩnh hội triệt để các kiến thức ở nhà trường, ông chú tâm vào các kỹ năng ngoài sách vở được cha ông rèn cho, trong đó có cách kiếm tiền và quản lý đồng tiền.
Ông cũng chia sẻ thói quen tiết kiệm tiền thông minh với các bạn nhỏ: Đừng lãng phí tiền bạc, kể cả những khoản nhỏ bé tưởng chừng như không đáng kể. Ông cho rằng thói quen tiết kiệm phải được dạy cho trẻ từ rất sớm và nó sẽ đi theo chúng trong suốt phần đời còn lại.
Cameron Herold cũng chia sẻ về cách quản lý tài chính và tiết kiệm theo cách của người Do Thái. Tính theo tỷ lệ dân số, thì người gốc Do Thái đứng đầu thế giới về số lượng tỷ phú. Một trong những nguyên nhân giúp người Do Thái vượt trội là do họ có thái độ đúng với tiền, và họ quản lý tiền bạc rất khôn ngoan.
Người Do Thái dạy con trí thông minh về tiền bạc bằng cách sử dụng 5 chiếc lọ. Mỗi lọ đều được dán tên tương ứng với mục đích sử dụng. Cứ mỗi lần được cho, hoặc kiếm được 10 đồng, trẻ em Do Thái sẽ bỏ 1 đồng vào mỗi lọ đóng thuế, tiết kiệm, từ thiện; 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hằng ngày.
Tỷ phú Warren Buffett - cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway, người giàu thứ hai thế giới sau Bill Gates thì đơn giản hơn, chỉ hai lọ là đủ. Một lọ dùng để tiết kiệm và một để chi tiêu. Mỗi lần trẻ nhận được tiền, cha mẹ hãy bàn bạc, lắng nghe, hướng dẫn con cách phân bổ giữa tiền chi tiêu và tiết kiệm.
"Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm", bài học quý giá về quản lý tài chính được Warren Buffett nêu ra. Cuối cùng, theo nhà đầu tư huyền thoại này, hình thành thói quen quản lý tài chính thông minh cho trẻ từ khi trẻ còn nhỏ là một trong những điều quan trọng nếu các bậc cha mẹ muốn con cái mình trở thành một doanh nhân.
Tuy là một doanh nhân nhưng chị Đoàn Thu Thủy lại có những suy nghĩ về cách dạy con không khác gì một nhà tâm lý giáo dục. Trong một bức thư viết cho con gái, đề cập việc tiết kiệm, chị dặn dò con bằng những lời lẽ hết sức giản dị nhưng thấm thía: “Ăn bữa nay phải lo bữa mai, đừng xài phung phí. Giờ nói theo từ ngữ mới là "trích lập dự phòng". Con đi làm phải dành 10% lương cất lại, kinh doanh cũng phải dành 10% lợi nhuận để đề phòng khi rủi ro phá sản cũng còn có của mà làm lại. Còn có câu: "Làm khi lành để dành khi đau". Đâu ai biết trước ngày mai thế nào, nên cứ phải phòng bị”.
Còn với nhân viên dưới quyền, chị khuyên: Lương 5 triệu nên để 500 ngàn vô ống heo, cuối năm đập ra thêm tiền thưởng mua được 2 chỉ vàng để dành. Người ta giàu tiết kiệm theo kiểu giàu. Mình nghèo lo theo kiểu nghèo.
Ông chủ Digiworld Đoàn Hồng Việt chia sẻ, ông dạy con về tiền bạc từ khi chúng 12-13 tuổi để các con hiểu giá trị của đồng tiền. Song song với việc dạy con biết cách quản lý đồng tiền, ông còn chú trọng dạy con cách tiết kiệm để tích lũy vốn.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nay là IPPG. Khi còn là sinh viên ở Trường Đại học Seatle, Mỹ, ông một thân một mình ở xứ người, phải đi làm 3-4 nghề để tự nuôi sống bản thân và trang trải học phí.
“Lúc có tiền, tôi cố gắng tiết kiệm lắm mới mua được một chiếc xe cũ để đi làm. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, quá trình này với tôi rất vất vả gian nan”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói. Vì thế ông luôn dạy con cái mình phải biết tiết kiệm, Chỉ có tiết kiệm mới giúp mình vượt qua được giới hạn của bản thân để đi đến thành công.
Cuối cùng, theo các doanh nhân, trẻ con thường có khuynh hướng bắt chước, copy những hành vi của cha mẹ. Do vậy, cha mẹ phải luôn làm gương cho con. Không chỉ qua những hành vi liên quan việc quản lý tài chính, chi tiêu tiết kiệm mà còn phải làm gương trong cả những sinh hoạt khác của đời sống thường nhật.