Đương đầu với thất bại
(DNTO) - Đương đầu với thất bại là một trong những tố chất quan trọng cần phải rèn luyện cho trẻ, đặc biệt là khi bố mẹ muốn hướng trẻ đến mục tiêu trở thành một doanh nhân.
Thông thường bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn con cái nối nghiệp mình hoặc đi theo nghề truyền thống của gia đình. Hơn ai hết, các doanh nhân càng mong muốn điều này hơn, vì giao quyền kế nghiệp cho con, họ sẽ an tâm và tin tưởng tuyệt đối.
Để cho con cái sau này có thể nối nghiệp cha mẹ, điều hành công việc kinh doanh của gia đình hoặc ra đời tạo lập sự nghiệp riêng, ngay từ khi trẻ vừa mới bắt đầu nhận biết, bên cạnh việc giúp con hình thành và phát triển nhân cách của một người tử tế, bố mẹ cần chú trọng rèn luyện cho con những tố chất đặc biệt cần có của một doanh nhân trong tương lai.
Đương đầu với thất bại, là một trong những nội dung cần chuẩn bị cho con từ rất sớm. Trong kinh doanh, thất bại là điều mà bất cứ doanh nhân nào cũng phải đối mặt.
KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán với gần 19.000 nhà hàng tại 118 quốc gia. Và Harland Sanders chính là “ông tổ” của món đồ ăn nhanh ưa thích này. Ít ai biết trước đó, ông đã trải qua nhiều thất bại.
Năm 1950, sự xuống dốc của nền kinh tế buộc Sanders phải bán lại cơ nghiệp ở Corbin, tiểu bang Kentucky, với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế. Cầm số tiền trợ cấp thất nghiệp 105 đô la, ông cảm thấy xấu hổ. Tâm trí ông trống rỗng. Ông nhận ra ông đã mất tất cả. Không có ai bên cạnh, ông thấy mình thật sự cô đơn. Sanders lang bạt khắp nơi tìm cơ hội kinh doanh. Sanders cay đắng đếm số lần ông đã bị từ chối là 1.009 lần. Tuy nhiên, ông quyết không từ bỏ. Ông từng bước thuyết phục hàng trăm cơ sở kinh doanh. Từ việc bán bí quyết thu tiền trên từng miếng gà đến việc nhượng quyền thương hiệu, công việc kinh doanh của ông đã dần phát triển mạnh, vượt ngoài tầm kiểm soát, đã để lại cho nhân loại một món gà hoàn hảo tuyệt với: Gà rán KFC.
Cũng như Sanders, huyền thoại Walt Disney - cha đẻ của hãng phim hoạt hình Disney - trước khi viết nên một câu chuyện khởi nghiệp thành công đầy ấn tượng, cũng đã là một người thất bại. Ông đã từng mất nhà, chịu cảnh vô gia cư và thua lỗ triền miên, song ông vẫn không ngừng theo đuổi ước mơ của mình.
Biến hầm xe thành studio để thỏa sức sáng tạo với những thiết bị đi mượn, Walt đã cho ra đời những bộ phim hoạt hình ngắn. Tuy nhiên, khi mang đi thuyết phục các chủ rạp chiếu bóng, ông đều bị từ chối. Walt thất bại và thua lỗ triền miên. Ông bán nhà, sống trong văn phòng làm việc, ngủ trên băng ghế lạnh lẽo và làm mọi công việc để sinh tồn.
Mặc dù vậy, Walt vẫn không từ bỏ ước mơ. Sự kiên trì đã được đền đáp, nhân vật hoạt hình của Walt, từ chú thỏ Oswald đến chú chuột Mickey, bắt đầu được nhiều người biết đến và yêu thích.
Ở Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là Bầu Đức - ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cũng chính là một trong những tấm gương vượt qua thất bại đáng để suy nghĩ. Không phải ai cũng biết ông đã từng thi trượt đại học đến 4 lần. Thất bại trên con đường học vấn, ông tìm cho mình một hướng đi khác. Từ hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ không tiền, không nhà, không nghề nghiệp đã bươn chải làm thuê khắp nơi kiếm sống. Sau đó bằng một xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã, Đoàn Nguyên Đức đã mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Hiện nay, tài sản của ông là bao nhiêu? Đó là một câu hỏi hết sức gợi tò mò.
Cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của một tập đoàn, ông Đào Hồng Tuyển - “chúa đảo Tuần Châu”- cũng là một người từng thất bại. Ông từng có thời gian lang thang khắp Sài Gòn, làm đủ thứ nghề, dọn chuồng lợn, bưng bia, bốc vác… để kiếm tiền. Ông cũng từng ngủ vỉa hè, công viên, mái hiên nhà…
Cho thấy, không ai thành công mà không phải trải qua thất bại. Vấn đề ở đây là cần dạy cho trẻ nhận ra và đương đầu với thất bại như thế nào. Những thất bại mà lứa tuổi các con thường xuyên gặp phải là: Bài tập bị điểm kém, thi rớt, thi đấu thua ở môn thể thao, văn nghệ… thất bại trong các trò chơi như xếp hình, dán và thả diều… thất bại trong mối quan hệ bạn bè chẳng hạn.
Thất bại có thể làm cho trẻ thất vọng, buồn bã thậm chí nổi cáu, nhưng đó không phải là bế tắc. Hãy để trẻ “nếm mùi” thất bại, sau đó giúp trẻ đối mặt và tập trung tìm giải pháp, chứ không nên dang tay, che chắn, làm thay (tất nhiên là với những việc không gây ra nguy hiểm đến tính mạng, tài sản).
Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi thất bại, con trẻ phải được cha mẹ giúp chúng chỉ ra cách đối mặt và vượt qua thất bại như thế nào để đi đến thành công, chứ không phải buông xuôi hay bỏ cuộc.
Trước hết hãy dạy trẻ chấp nhận thất bại bằng một nụ cười, một thái độ bình tĩnh, ôn hòa, không sợ hãi, không bỏ cuộc, cho mình một thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tiếp theo là phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thất bại. Lưu ý đào sâu những nguyên nhân chủ quan, tránh tập trung vào nguyên nhân khách quan, gọi nôm na là đổ thừa.
Khi đã tìm ra được nguyên nhân thì từng bước khắc phục với niềm tin lạc quan là bản thân sẽ vượt qua, sẽ tìm ra được con đường thành công. Cũng cần nên nhớ vượt qua thất bại cần nhất sự nỗ lực, kiên trì và tránh không để mắc lại sai lầm cũ.
Tóm lại, thất bại là cơ hội để con trở thành một cá nhân độc lập. Thất bại khiến con có thêm những bài học cho riêng mình. Biết đối diện với thất bại, dũng cảm vượt qua nó và kiên trì không bỏ cuộc để đi đến thành công, là bài học đầu tiên mà cha mẹ nên áp dụng cho con, nếu muốn con trở thành một doanh nhân trong tương lai.