Muốn khởi nghiệp thành công, cần có sự khác biệt
(DNTO) - Các doanh nghiệp muốn thành công khi khởi nghiệp, cần có điểm khác biệt và sáng tạo. Chúng ta không thể sao chép, bắt chước mãi. Khi kinh doanh phải lựa chọn mô hình phù hợp và các sản phẩm thế mạnh của mình. Đó là yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh và khởi nghiệp thành công.
“Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”
Tại tọa đàm "Khởi nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới: Trong nguy có cơ" và công bố thành lập Ban Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp Nông nghiệp số, do Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành VIDA, khẳng định, doanh nghiệp khởi nghiệp mà bắt chước, sao chép người khác là thất bại.
“Khởi nghiệp trong lĩnh vực nào cũng phải học. Tham vọng là động lực rất lớn, nhưng nguyên tắc là phải có tư duy, sáng tạo, đó mới là yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh cũng như khởi nghiệp thành công”, bà Thực nói.
Liên quan đến câu chuyện khởi nghiệp, đại diện Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Huy cho biết, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có ngành nông nghiệp. Vì vậy, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với giá thành cao và tư duy quản lý cũ sẽ không còn phù hợp. Do đó, nông nghiệp truyền thống cần có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thế giới về tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành
“Tính liên kết của các doanh nghiệp trong nước rất yếu, cứ mạnh ai người đó làm. Vì vậy để phát triển, các doanh nghiệp cần có sự liên hệ, hỗ trợ cho nhau trong chuỗi giá trị. Ví dụ, nếu anh giỏi về kỹ thuật nuôi heo thì anh phải liên kết với người làm tốt marketing, phát triển thị trường. Nếu anh cứ ôm đồm, không có sự liên kết sẽ làm bước đi của anh chậm lại và yếu đi”, ông Huy thẳng thắn nói.
Cũng theo ông Huy: “Có thể sự liên kết tại thời điểm này là tốt, nhưng thời điểm khác lại không, sự hợp - tan trong làm ăn là toàn bình thường. Nhưng không ít doanh nghiệp chịu hiểu điều này. Hầu hết khi không còn hợp tác nữa, nhiều người đang từ đồng nghiệp lại thành đối thủ cạnh tranh, điều đó làm doanh nghiệp Việt bế tắc, không phát triển”, ông Huy cho biết.
Đề cập đến vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm và dược liệu Măng Đen, cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi trong tư duy, quản lý và sản xuất để vượt qua mọi thách thức. Khi gặp khó khăn do dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang online, từ đó giảm được rất nhiều chi phí cố định.
“Chúng tôi là doanh nghiệp mới khơi nghiệp, khi dịch bệnh diễn ra, chúng tôi gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, có thời điểm chúng tôi phải dừng lại để nhìn nhận và đánh giá tình hình, chúng tôi học hỏi trên mạng, học hỏi từ doanh nghiệp lớn và quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh online”, ông Duy cho biết.
Được biết, trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, Công ty Măng Đen đã thay đổi về sản phẩm dựa trên việc nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thay vì bán sản phẩm thô, Măng Đen tập trung vào chế biến sâu, các mặt hàng lõi để tăng giá trị của các sản phẩm.
Về phần mình, ông Trần Đức An, Tổng Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, chia sẻ về cách đối mặt với những khó khăn trong quá trình kinh doanh.
Theo ông An, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ông luôn bình tĩnh để đối phó với những khó khăn mà doanh nghiệp mình gặp phải. Bên cạnh đó, quy mô của công ty không lớn, chính sự bình tĩnh đã giúp công ty ông ổn định trong những ngày dịch.
"Covid-19 là thời điểm để tôi nhìn nhận lại, hệ thống lại tổ chức bán hàng, nghiên cứu và nâng cao chất lượng sản phẩm", ông An bày tỏ.
Cũng theo ông An, thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, ông đã đi thực tế tại các chợ đầu mối để tìm hiểu hoạt động, thị trường, tìm hướng đi cho doanh nghiệp.
Nông nghiệp Việt là cơ hội lớn để khởi nghiệp
Từ chia sẻ của ông An, bà Nguyễn Thị Thành Thực đánh giá rằng, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, người chủ doanh nghiệp nếu chủ động đi chậm lại để nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng và chuẩn bị cho hướng đi mới là vô cùng cần thiết.
“Thời buổi này rất ít chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp chịu đi khảo sát, nghiên cứu thực tế ở chợ đầu mối để nắm tình hình thị trường. Cá nhân tôi cho rằng, để khởi nghiệp thành công, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải tìm hiểu đối tượng cạnh tranh với mình. Khi đó sẽ bớt rủi ro, vì biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, bà Thực chia sẻ.
Trong thông điệp của mình gửi tới những người đang, đã và sẽ khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần có ước mơ lớn và khát vọng lớn. Trong các ước mơ, cần có ước mơ Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp.
“Khởi nghiệp là vượt khó. Nếu có ý chí, các bạn sẽ có trái ngọt. Chạm vào nông nghiệp Việt chính là cơ hội lớn để khởi nghiệp. Nếu bạn có tư duy khởi nghiệp, quyết tâm vượt qua cái nghèo, các bạn sẽ trở thành thế hệ doanh nhân F2 của đất nước, thế hệ doanh nghiệp tiếp theo chúng tôi, đi xa hơn chúng tôi gấp nhiều lần. Bởi nông nghiệp còn tiến xa nữa”, ông Bình nói.
Ông Bình nhấn mạnh, để Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp, cần có sự thay đổi trong tư duy, áp dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy bay không người lái... vào sản xuất nông nghiệp. Với tâm thế sẵn sàng chia sẻ các khát vọng, các cơ hội với những người khởi nghiệp nông nghiệp, VIDA sẽ dang tay đón nhận tất cả các thành tựu có thể áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam.