Doanh nghiệp Việt bỏ quên thị trường màu mỡ trong nước vì tư tưởng ‘hướng ngoại’
(DNTO) - Đa phần các doanh nghiệp Việt hiện còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu mà chưa khai thác được lợi thế thị trường trong nước. Chuyên gia lo ngại khu vực doanh nghiệp FDI sẽ dần lấn át khu vực doanh nghiệp trong nước.
Đừng để người Việt sang nước ngoài mua hàng Việt
Theo bà Nguyễn Việt Hồng, Phó Ban phụ trách Ban Kinh tế và Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân, thị trường nội địa Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp trong nước khai thác.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt còn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, hay nói cách khác, họ chưa tận dụng được thị trường trong nước với khoảng cách hàng hóa gần, giá cả hợp với túi tiền người dân Việt hơn và những lợi thế về chi phí sản xuất, vận chuyển...
Vì vậy theo bà Nguyễn Việt Hồng, đây là lý do mà nhiều người Việt Nam phải sang tận Hồng Kông để mua đồ của hãng IKEA do chính người Việt làm ra tại Việt Nam. Bởi sản phẩm khi xuất sang Hồng Kông đạt tiêu chuẩn quốc tế dành cho thị trường phát triển, giá cả và các khoản thuế đều rẻ hơn và tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng được kiểm soát tốt hơn.
“Chúng ta có thể tạo ra 1 sản phẩm có tiêu chuẩn và chất lượng cho các hãng nước ngoài. Vậy sao chúng ta ko dùng kỹ năng góp nhặt từ sự khó tính của khách hàng nước ngoài, nghiên cứu thêm về hành vi và sở thích thị trường trong nước để đưa sản phẩm mình vào trái tim người Việt Nam?”, bà Nguyễn Việt Hồng nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, một số vấn đề có thể thấy ở hàng Việt Nam hiện nay là hàng hóa đa phần sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước.
Bên cạnh đó, hàng Việt ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt…, các khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỉ trọng cao, khiến giá thành chưa chiếm được lợi thế… là những lý do khiến hàng Việt lép vé hơn hàng ngoại ngay tại thị trường trong nước.
“Hơn ai hết, doanh nghiệp Việt hãy hiểu người Việt một cách tốt nhất để thỏa mãn được tối đa những đòi hỏi của chính khách hàng trên lãnh thổ của mình. Khi đó, người tiêu dùng Việt sẽ luôn luôn tin tưởng và đồng hành cùng hàng Việt trong bất cứ hoàn cảnh nào”, bà Nga chia sẻ.
Giúp hàng Việt xuất khẩu vào từng gia đình Việt
Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kể từ 2019 đến nay, hàng Việt đang dần dần chiếm lĩnh tại thị trường trong nước và ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, ở Satra là 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%... Với các kênh phân phối nước ngoài, tỉ lệ hàng Việt cũng chiếm từ 65-96%.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng Việt luôn ưu tiên chọn sản phẩm nội địa mỗi khi mua sắm, theo bà Lê Việt Nga, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh, nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý nên áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”.
“Khi đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ không lo bị “lép vế” do “tư cách chính trị” trước khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực doanh nghiệp nội địa không phải lo ngại trước sự lấn át bất hợp lý của khu vực doanh nghiệp FDI”, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động để hỗ trợ hàng Việt, doanh nghiệp Việt, các chương trình phát triển thương mại vùng sâu vùng xa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài, thương mại điện tử.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bà Nguyễn Việt Hồng cũng cho biết, hiện Hiệp hội đang nghiên cứu làm một đề án liên minh hàng Việt Nam tiêu chuẩn xuất khẩu để hỗ trợ nâng tầm cho các thương hiệu Việt, đưa hàng Việt xuất khẩu vào từng gia đình Việt.