Doanh nghiệp Việt gặp khó trong chiến lược lương thưởng
(DNTO) - Đây là kết quả được Talentnet - Mercer thực hiện nhằm khảo sát chuyên sâu về chính sách nhân lực của các doanh nghiệp.
Theo kết quả cuộc khảo sát này, 34% doanh nghiệp không thực hiện tăng lương cho nhân viên trong năm 2020, 3% cho biết sẽ tiếp tục duy trì mức lương cho đến năm 2021. Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ tăng lương của các doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020 thấp nhất trong thập kỷ qua.
Báo cáo của Talentnet - Mercer thể hiện 5% doanh nghiệp có dự định cắt giảm nhân viên để giải quyết bài toán kinh tế, trong khi 55% không có ý định tuyển nạp thêm nguồn nhân sự mới ít nhất đến năm 2021. Điều này dự báo 2021 nhiều khả năng sẽ là một năm trầm lắng của thị trường tuyển dụng và việc làm. Nhiều chuyên gia nhận định, cân đối chi phí nhân sự là một bài toán tốn nhiều chất xám của các cấp lãnh đạo hiện nay.
Phát huy hiệu quả từ thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều công ty tiếp tục duy trì việc chuyển đổi nhân sự cơ hữu sang làm việc trực tuyến hoặc bán thời gian, một số doanh nghiệp khuyến khích nhân viên nghỉ phép tự nguyện chờ phục hồi. Điều này cho thấy sự linh hoạt của nhiều doanh nghiệp trong chính sách giữ chân nhân lực.
"Khi lương thưởng không được đảm bảo, doanh nghiệp nên ưu tiên phúc lợi về cảm xúc và thể chất, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, hình thức khen thưởng phi hiện kim", đại diện Talentnet-Mercer nhận định.
Trước những tín hiệu không mấy khả quan về tình hình nhân sự năm tới, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng giám đốc Talentnet cho rằng doanh nghiệp cần hoạch định lộ trình kinh doanh, lên kế hoạch quản trị tài chính. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược lương thưởng cho năm 2021 ngay từ bây giờ để tránh thâm hụt ngân sách khi gặp khó khăn.
Đây cũng là lúc doanh nghiệp thể hiện tư duy linh hoạt, bứt phá, mạnh dạn gỡ bỏ những phúc lợi không phù hợp, chiếm nhiều ngân sách nhưng chưa đem lại hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp nên cập nhật xu hướng, dữ liệu lương thưởng chính xác, điều chỉnh ngân sách, chiến lược nguồn lực phù hợp đồng thời nâng cao độ cạnh tranh.
"Việc nắm bắt mức độ chi trả của thị trường hay công ty đối thủ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp không rơi vào cảnh 'thắt lưng buộc bụng' không cần thiết dẫn đến mất nhân tài", bà Hương nói.
Theo ông Phan Vũ Hoàng - Phó TGĐ Deloitte Việt Nam: “Một người lãnh đạo giỏi là một người lãnh đạo đủ sức để xử lý mọi vấn đề sau khi khủng hoảng xảy ra với doanh nghiệp. Trong khi một lãnh đạo “kiên tâm” là người đủ tầm để lường trước mọi tình huống khủng hoảng và chủ động đương đầu, ứng phó với sự khủng hoảng đó.