Các yếu tố nội tại sẽ quyết định tăng trưởng của Việt Nam

(DNTO) - Dù còn phải chờ đợi thêm công bố chính thức về thuế quan từ Mỹ nhưng theo nhiều chuyên gia, hiện tại các yếu tố nội lực tích cực sẽ đóng vai trò then chốt hơn so với hoạt động xuất khẩu trong quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Yếu tố nội tại sẽ đóng vai trò then chốt
Tổng thống Donald Trump thông tin về mức thuế đối ứng với Việt Nam trên mạng xã hội, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế đối ứng 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam và mức thuế 40% đối với hàng “chuyển tải” từ quốc gia khác. Sản phẩm của Mỹ vào Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.
Ngày 3/7, vị Tổng thống này cũng cho biết, Mỹ sẽ gửi thư tới các đối tác thương mại ngay từ ngày thứ Sáu tuần này, chính thức thiết lập mức thuế quan đối với mỗi nước trước ngày 8/7, thời điểm kết thúc thời hạn tạm hoãn thuế đối ứng.

Ảnh minh họa
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ sớm nhận được thông báo chính thức về mức thuế quan từ Mỹ, mức thuế được nhiều chuyên gia đánh giá "không tệ" ở thời điểm hiện tại nếu so với con số 46% trước đó.
Theo VinaCapital nhận định, mức thuế trên đã là bước tiến tích cực cho cả hai quốc gia, dù các chuyên gia đặt vấn đề, cần chờ đợi thêm các công bố chính thức để đánh giá toàn diện tác động kinh tế có thể xảy ra. Các chuyên gia nhận định, trong thời gian này các chính sách và hành động mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai và dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm nay và những năm tới sẽ đóng vai trò then chốt hơn so với hoạt động xuất khẩu trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, các yếu tố nội tại như đẩy mạnh đầu tư công, sự phục hồi thị trường bất động sản sẽ là các động lực tăng trưởng đáng chú ý.
Trước mắt, chính sách thuế của Mỹ sẽ chưa tác động nhiều đến Việt Nam nhờ các yếu tố. Thời gian tạm hoãn thuế, xuất khẩu sang Mỹ đã được đẩy mạnh, phần lớn do các các nhà nhập khẩu Mỹ tăng mạnh mua hàng. Nửa đầu năm nay xuất khẩu đã tăng tới 30% so với cùng kỳ, do đó thời điểm cuối năm nay các hoạt động xuất nhập khẩu được cho sẽ chững lại.
Vốn FDI đổ vào nền kinh tế vẫn duy trì ở mức cao. Năm tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký tăng gần 50%, vượt 15 tỷ đô la, tương đương 7% GDP. Dòng vốn này được cho sẽ tiếp tục duy trì vị thế trong thời gian tới chỉ cần mức áp thuế cho Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực.
"Trong bối cảnh chưa có thỏa thuận cuối cùng, chỉ cần mức thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực, thì các lợi thế về chất lượng lao động, chi phí, nhân khẩu học và vị trí địa lý vẫn tiếp tục giúp Việt Nam giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới", VinaCapital nhận định.
Theo đó, các yếu tố nội tại như đẩy mạnh đầu tư công, phụ hồi thị trường bất động sản được nhận định tiếp tục là các động lực quan trọng đáng chú ý cho nền kinh tế.
Không cần quá lo ngại về thuế quan?
Sáu tháng đầu năm nay, các thông tin vĩ mô được công bố tương đối tích cực. Ước tính cuối tháng 5, GDP quý 2/2025 đạt khoảng 7,7%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng khoảng 7,3%, mức cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
Công nghiệp chế biến, chế tạo quý 2 tăng 10,65% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, chia sẻ, các số liệu trên thể hiện một sự tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia, các con số trong nền kinh tế đã xác nhận mức độ tăng trưởng cao này như tăng trưởng tín dụng đạt gần 19% so với cùng kỳ. Tốc độ giải ngân đầu tư công cao hơn nhiều so với trước đây. Vốn giải ngân FDI cũng ghi nhận tín hiệu tốt. Ông dẫn chứng báo cáo của IMF đánh giá về Việt Nam trong năm 2024 khi rất nhiều yếu tố nhận được đánh giá tốt.
"Việt Nam đang trong giai đoạn có nhiều đổi mới, tăng trưởng đến từ nhiều động lực khác nhau", ông nhận định. Tuy nhiên, theo ông, có thể nhiều thành viên trong nền kinh tế chưa thể nào mà cảm nhận được cái mức độ tăng trưởng này, dù vậy đây là điều hết sức bình thường. "Khi đối diện với những điều mới hơn mà mình vẫn sử dụng lối tư duy cũ sẽ khó nhận biết được sự phát triển của kinh tế nói chung hay thậm chí ở những cái mức độ hẹp hơn là ngành tài chính", ông cho biết.
Nói về mức thuế quan của Mỹ, ông cũng nhận định, sẽ đến lúc câu chuyện này kết thúc để tập trung vào các câu chuyện khác như tăng trưởng Việt Nam sẽ đến từ đầu tư công, đẩy mạnh tiêu dùng. "Mọi người có thể sẽ không còn quá lo ngại về rủi ro thuế quan trong giai đoạn tới”, ông Hưng chia sẻ.