Thỏa thuận thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Mức thuế sẽ được áp dụng cụ thể ra sao?

(DNTO) - Tổng thống Mỹ, Donald Trump, công bố một thỏa thuận thương mại bước đầu đã được thiết lập với Việt Nam, trong đó thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ sẽ vào khoảng 20%, trong khi hàng hóa từ Mỹ vào nước ta sẽ được miễn thuế hoàn toàn.

Tổng thống Donald Trump họp báo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: APNews
Tổng thống Mỹ, Donald Trump, cho biết hôm thứ Tư (rạng sáng 3/7) rằng Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận thương mại bước đầu với Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ bãi bỏ một số mức thuế đối ứng mà chính quyền Trump đã áp dụng đối với các sản phẩm của Việt Nam để đổi lấy việc nước ta mở cửa thị trường cho hàng hóa nhập từ Mỹ.
Mức thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ: không chỉ là 20%
Thỏa thuận sơ bộ này cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
“Đây sẽ là sự hợp tác to lớn giữa hai nước,” ông Trump viết trong bài đăng trên Truth Social thông báo về thỏa thuận này.
Theo ông Trump, thỏa thuận này áp dụng mức thuế 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam và mức thuế 40% đối với sản phẩm “chuyển tải” (transshipping) - trung chuyển từ Trung Quốc.
Điều khoản này nhằm giải quyết những chỉ trích của chính quyền Trump vào các quốc gia như Việt Nam, vốn đã trở thành con đường để các nhà sản xuất Trung Quốc lách thuế quan của Hoa Kỳ.
Hiện không rõ cách thức áp dụng mức thuế này sẽ ra sao. Có thể nó sẽ áp dụng vào hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc, nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam. Nhưng cũng có thể mức thuế này sẽ áp dụng cho các sản phẩm của Việt Nam sử dụng tỷ lệ lớn linh kiện, nguyên vật liệu của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có trường hợp mức thuế sẽ được điều chỉnh tùy theo tỷ lệ nguyên vật liệu, linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc được sử dụng trong sản xuất.
Howard Lutnick, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đã viết trên Twitter rằng "nếu một quốc gia khác bán linh kiện của họ thông qua các sản phẩm do Việt Nam xuất khẩu sang chúng tôi - họ sẽ phải chịu mức thuế 40%".
Trước đó, Việt Nam đã phải đối mặt với mức thuế quan 46% theo khuôn khổ thuế quan toàn cầu mà chính quyền Trump công bố vào ngày 02/4 trước khi tạm dừng các mức thuế này 90 ngày để các bên đi vào vòng đàm phán.
Ông Trump mô tả thỏa thuận này như thể Việt Nam sẽ đứng ra trả thuế, nhưng thực chất mức thuế này thường được các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ chi trả.
Tổng thống cho biết thêm rằng theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ, cho phép họ xuất khẩu sang Việt Nam mà không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.

Bài đăng trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Truth Social
Thông báo này được đưa ra sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm vào sáng thứ Tư.
Một tuyên bố từ chính phủ Việt Nam về cuộc điện đàm cho biết hai nước đã đạt được "khuôn khổ cho một thỏa thuận thương mại có đi có lại công bằng và cân bằng", thỏa thuận sẽ mang lại cho Hoa Kỳ "quyền tiếp cận thị trường ưu đãi" đối với hàng hóa Mỹ.
Phản ứng ban đầu đối với thỏa thuận này là tiêu cực, khi các nhóm doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng mức thuế ít nhất 20% vẫn sẽ được áp dụng.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Mức thuế quan vẫn còn khá cao so với dự kiến của chúng tôi và nhiều chi tiết quan trọng về quy tắc xuất xứ cho các mức thuế quan khác nhau vẫn chưa rõ ràng”.
Matt Priest, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ, cho biết thuế quan đối với Việt Nam sẽ làm tăng giá giày dép cho khách hàng Mỹ.
“Việt Nam là quốc gia thiết yếu đối với chuỗi cung ứng giày dép của Hoa Kỳ, đặc biệt là giày thể thao,” ông nói. “Nhiều đôi giày trong số này đã chịu mức thuế 20 phần trăm, đặc biệt là những mẫu giày thể thao phổ biến. Việc chồng thêm mức thuế mới lên trên mức đó không chỉ là không cần thiết - mà còn là cách làm kinh tế tệ hại. Chính quyền nên nhận ra đã có mức thuế giày dép cao và tránh gây thêm căng thẳng cho các gia đình và doanh nghiệp Hoa Kỳ.”
Thỏa thuận này là thỏa thuận thứ hai mà ông Trump công bố kể từ đầu tháng 4, khi ông áp đặt mức thuế quan cao đối với hàng chục quốc gia trên toàn cầu nhưng sau đó đột ngột dừng lại trong 90 ngày để cố gắng đàm phán các thỏa thuận thương mại. Những mức thuế quan đó dự kiến sẽ có hiệu lực trở lại vào tuần tới.
Việt Nam là "hình mẫu" để Mỹ vẽ lại các quy tắc thương mại toàn cầu?
Các quan chức Hoa Kỳ đã phải xoay xở đàm phán với hơn một chục đối tác thương mại trước thời hạn đó. Các đại diện từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia và các chính phủ khác đã đi đàm phán khắp nơi tại Washington trong những tuần gần đây để tìm ra một thỏa thuận có thể ngăn chặn mức thuế quan cao hơn.
Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một trong những ví dụ nổi bật nhất về nỗ lực vẽ lại các quy tắc thương mại toàn cầu của Hoa Kỳ. Một số quan chức Nhà Trắng đã mô tả Việt Nam chẳng khác gì một đại diện của Trung Quốc, mặc dù có nhiều quan chức thương mại cho rằng điều này không chính xác.
Bất chấp điều đó, các quan chức thương mại Hoa Kỳ đã gây sức ép buộc Việt Nam phải phụ thuộc ít hơn vào các đối tác Trung Quốc và mua nhiều hàng hóa hơn từ Hoa Kỳ.
Nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã có nhiều bức xúc khi phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ Việt Nam, trong đó có các nhà sản xuất mận khô, cá da trơn và tủ bếp tại Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận lần này không giống như các thỏa thuận thương mại tự do toàn diện, nó không bao gồm nhiều ngành công nghiệp, với nhiều điều khoản chi tiết hay các hiệp ước. Các chuyên gia thương mại đã mô tả đây chỉ là thỏa thuận "khung", nêu rõ một số thay đổi cụ thể, như giảm một số mức thuế quan, nhưng chỉ nói rằng các chủ đề chi tiết khác sẽ được đàm phán trong những tháng tới.
Ví dụ, "thỏa thuận" mà chính quyền Mỹ công bố với Anh vào tháng 5 đã bãi bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm và nêu chi tiết một số cam kết. Nhưng nó cũng còn rất nhiều điểm chi tiết cần phải được đưa ra sau các vòng đàm phán.
Tương tự như vậy, thỏa thuận Việt Nam cũng có rất ít chi tiết. Với Việt Nam, hiệp định thương mại mới này có thể khuyến khích nhiều hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ đi vào thị trường trong nước, mặc dù có rất ít khả năng để xóa bỏ thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã nhập khẩu 136,6 tỷ đô la hàng hóa từ Việt Nam vào năm 2024, nhưng chỉ xuất khẩu 13,1 tỷ đô la.

Lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng lên kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ảnh: NYT
Khoảng cách thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Phần lớn là do cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump với Trung Quốc. Khi chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu áp đặt mức thuế quan cao đối với các sản phẩm của Trung Quốc, các nhà sản xuất bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới cho các nhà máy ở nước ngoài của họ. Nike, Apple, Foxconn, Mattel và các thương hiệu lớn khác đã chuyển một số hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây.
Các quan chức của Trump cũng lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang trốn thuế của Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc bằng cách chuyển sản phẩm của họ qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Các quan chức Việt Nam đã hứa sẽ làm nhiều hơn nữa để kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp này, chiếm tới 16 phần trăm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, theo các nghiên cứu gần đây.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong vài năm qua, nhưng nhìn chung, các công ty Hàn Quốc (bao gồm LG và Samsung) vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là máy móc để sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, không chỉ là nguyên liệu thô.
Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng hầu hết hàng xuất khẩu của mình, đặc biệt là liên quan đến các công ty đa quốc gia như Nike, Samsung và Apple, đều tuân thủ các quy tắc quốc tế về xuất xứ, tạo thêm đủ giá trị cho các sản phẩm có linh kiện Trung Quốc để được dán nhãn "Made in Vietnam" một cách phù hợp.
Ví dụ, trong một vụ án năm 2022 do Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ điều tra liên quan đến xe đạp leo núi lắp ráp tại Việt Nam, các quan chức Hoa Kỳ đã phán quyết rằng việc bổ sung bánh xe, hệ thống truyền động và phanh của Trung Quốc không làm mất đi “tính chất Việt Nam” của những chiếc xe đạp này vì bản thân khung xe, được coi là "bản chất" của chiếc xe đạp, đã được sản xuất tại Việt Nam.
Ebehi Iyoha, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết: "Phán quyết này cho thấy một thành phần duy nhất có thể neo giữ nguồn gốc ngay cả khi hầu hết các linh kiện khác đều là từ nước ngoài".
Không rõ liệu các biện pháp kiểm soát, đánh giá nguồn gốc sản phẩm từ Việt Nam đến Mỹ sẽ như thế nào. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một đối tác kinh tế mật thiết với Trung Quốc.
Nền kinh tế của hai nước có mối liên hệ chặt chẽ, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Việt Nam phản đối sự “bắt nạt đơn phương”. Nhiều nhà phân tích coi đây là lời cảnh báo việc ngả về phía Mỹ. Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm một hiệp ước tích hợp ngành đường sắt và các chuỗi cung ứng khác.