Đi tìm lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản giữa 'bão Covid-19'
(DNTO) - Hiện nay, nhiều địa phương đang đau đầu tìm cách xử lý tình trạng các loại nông sản như lúa, sầu riêng, thanh long, khoai lang, khoai môn, tôm, cá tra… đang vào vụ nhưng phải "neo" lại trên đồng hoặc tồn kho lớn do không có doanh nghiệp thu mua để tiêu thụ nội địa lẫn chế biến và xuất khẩu
Giá thấp, tồn đọng nhiều
Thực tế hiện nay, sản lượng nông sản, các loại rau quả tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tiêu thụ là khá lớn, trong khi đó việc lưu thông, tìm kênh phân phối vẫn đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần xử lý.
Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn như: Thanh long, xoài, cam mỗi loại 35.000 tấn, bưởi 40.000 tấn, chuối 50.000 tấn… cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An thông tin, dù những bất cập trong kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đã được khắc phục một phần, nhưng nhìn chung, tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn.
Tại Long An, nhiều mặt hàng nông sản tồn đọng. Cụ thể, trên 1.100 tấn chanh, khoai lang, ổi, rau quả; gần 320 tấn thịt heo, gà, vịt, 477.500 trứng gia cầm và hơn 1.836 tấn thủy sản các loại gồm: Tôm thương phẩm, cá tra giống, ếch…
Chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hoá do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối.
Thêm vào đó, chi phí lưu thông hàng hóa tăng 3-4 lần so với trước khi có dịch, đã dẫn đến tình trạng nông dân khó tìm đầu ra và phải bán nông sản với giá rất thấp nhưng người mua lại phải trả với giá rất cao.
"Chi phí vật tư đầu vào cũng tăng liên tục khiến nhiều nông dân không mặn mà với việc tái sản xuất cho các mùa, vụ sau” - ông Nguyễn Minh Lâm nêu thực trạng.
Thành phố Cần Thơ là đầu mối tập trung các nhà máy thu mua, chế biến lúa gạo và cá tra xuất khẩu của các tỉnh Tây Nam bộ. Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, do yêu cầu giãn cách xã hội, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
"Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương có lúa ngoài đồng đã chín, đổ ngã, cá tra dưới ao đã quá size nhưng không có người thu hoạch. Mạng lưới thương lái thu mua dừng hoạt động do vướng quy định đi lại, trong khi các nhà máy chế biến không đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất" - ông Cường chia sẻ.
Để giải bài toán tiêu thụ nông sản phải thay đổi tư duy
Để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, tại tọa đàm trực tuyến "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài", ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề ra 3 giải pháp.
Một là thoát khỏi tư duy mùa vụ. Bộ trưởng Hoan cho rằng, trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.
Hai là tăng cường đối thoại. Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro về "đầu ra" tiêu thụ cho nông sản mới giảm xuống.
Ba là mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.
“Đại dịch lần này là dịp thử thách tư duy liên kết vùng, hay rộng hơn là không gian phát triển của ĐBSCL. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng cắt khúc ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL" - Bộ trưởng Hoan nêu vấn đề.
Bộ trưởng Hoan cũng cho rằng, dịch bệnh khiến người dân khó khăn, nhưng cũng là thời điểm để họ ý thức rõ ràng về việc không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Nhiệm vụ của những cán bộ quản lý, điều hành ngành nông nghiệp là giúp bà con thay đổi tư duy triệt để, giúp họ chuyển biến từ tự phát thành tự giác gia nhập hợp tác xã, với tư tưởng cùng ăn, cùng chia lợi nhuận.
Góp thêm quan điểm vào bài toán gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Hoan thẳng thắn chỉ rõ: Không có quy định nào phủ kín được mọi ngóc ngách của cuộc sống. Do đó, các địa phương cần có sự chủ động hơn.
"Đây cũng chính là thời điểm các tỉnh ĐBSCL phải có tư duy sâu sắc về làm kinh tế nông nghiệp chứ không phải là sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Giá lúa gạo xuống quá thấp thì cũng phải tính phương án giảm diện tích để thay vào các cây trồng khác cho hiệu quả. Không thể đổi thành tích sản lượng xuất khẩu lấy sự rủi ro cho nông dân" - bộ trưởng nhận định.
Song song đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị lập tổ công tác của từng tỉnh để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn giữa các tỉnh, thành trong khu vực, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian phòng, chống dịch.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGAP nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường để điều tiết tiêu thụ hiệu quả nhất.
Nêu quan điểm của mình, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, các giải pháp kết nối tiêu thụ hiện nay mới chỉ là tình thế, để có thể thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch Covid-19 hay các rủi ro khác, doanh nghiệp kiến nghị cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn để lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch.
”Nếu hệ thống kho lạnh được đầu tư và vận hành hiệu quả, nông dân sẽ không phải lo đầu ra cho nông sản, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu sản xuất, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản thời gian qua” - bà Lý Kim Chi phân tích.