Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng thủy sản
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Do đó, khi dịch Covid-19 còn kéo dài, đòi hỏi ngành thủy sản vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng.
Dự báo xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 giảm ít nhất 20%
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, với phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, từ giữa tháng 8 tới nay, chỉ có khoảng 30 - 40% số doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được từ 40-50% người lao động tham gia sản xuất. Do đó, công suất sản xuất trung bình giảm, chỉ còn từ 40-50% so với trước đây. Thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất, thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ giao hàng, bị mất đơn hàng, khách hàng...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày 1/9, có 17 cảng tạm dừng hoạt động. Số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại các cảng giảm 59.670 lượt tàu, tương đương 334.000 tấn sản phẩm.
"Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Cùng với đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ" - ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Tại các vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp rất khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh.
Ngoài ra, việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test Covid-19 đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thời gian tới.
"Diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 này sẽ vẫn ảm đạm"
VASEP nhận định.
Bên cạnh đó, sản xuất và chế biến cá tra lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, khu vực vẫn đang gặp thách thức với sản xuất “3 tại chỗ”. Hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa nên tình hình xuất khẩu cá tra tại những địa bàn này sẽ tiếp tục đình trệ trong tháng 9.
Từ những thách thức trên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, kim ngạch đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ”, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được kim ngạch khoảng 8,5-8,6 tỷ USD.
Phải đảm bảo tăng trưởng thuỷ sản
Sáng nay 4/9, tại cuộc họp trực tuyến về "Sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu 8,6 triệu tấn thủy sản của cả năm, đòi hỏi ngành thủy sản vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng.
"Quan trọng nhất hiện nay phải giải quyết được khâu tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào sản xuất, nếu không sẽ không đảm bảo điều kiện sản xuất vụ mới" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, Bộ NN&PTNT kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay. Các nhà sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người nuôi không được nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt. Hiện có những nhà máy quản lý rất tốt, nhưng trong tỉnh, chỉ 1 nhà máy có F0 là tất cả các nhà máy đều phải giãn cách, nên không sản xuất được, như tại Cà Mau. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì địa phương nên cho làm.
Để đảm bảo "3 tại chỗ", ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đề nghị áp dụng “1 cung đường nhiều điểm đến”, tức là công nhân xanh, gia đình xanh, nhà máy xanh và test thường xuyên. Khi nhà máy sản xuất được thì giá mua nguyên liệu sẽ tăng lên, nông dân có cơ hội duy trì sản xuất, tránh xảy ra tình trạng thiếu thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Đề nghị áp dụng “1 cung đường nhiều điểm đến”, tức là công nhân xanh, gia đình xanh, nhà máy xanh và test thường xuyên.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú
Đối với khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản tiếp tục đề xuất khơi thông những ách tắc trong bốc xếp, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cho việc đi lại của thuyền viên, người trông coi tàu tại cảng nhưng vẫn thực hiện được các biện pháp phòng dịch, đảm bảo đủ số lao động để tàu đi hoạt động.
Đặc biệt, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho các lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển thủy sản, kể cả các lao động trên tàu cá và tại cảng... để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.