Lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI
(DNTO) - Xuất khẩu trong 8 tháng vừa qua vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gây lo ngại về sự thiếu vững chắc trong xuất khẩu do nguồn cung và cầu của các doanh nghiệp này hầu hết phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Sức chống chịu tốt
Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là lợi thế xuất khẩu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, gấp hơn 6,2 lần so với khu vực kinh tế trong nước.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước nhập siêu 3,71 tỷ USD. Mức nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực kinh tế trong nước, với 20,36 tỷ USD; còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) duy trì mức xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, khi mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” được đưa ra, đại đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước do thiếu nguồn lực, tài chính và khả năng tổ chức đã không thể thực hiện. Tuy nhiên, ngược lại, nhiều doanh nghiệp FDI tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương hay TP.HCM chủ động lên phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ giãn cách, đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.
Một số doanh nghiệp FDI lớn đang làm rất tốt việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, điển hình như Tổ hợp Samsung, Công ty TNHH Canon Việt Nam (Bắc Ninh); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare (Bắc Giang); Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Evergreen Việt Nam (Long An) hay Công ty TNHH Điện tử Foster, Công ty Pepperl+Fuchs (Bình Dương)…
Đánh giá về năng lực của khối doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết, ngoài nguồn lực về tài chính và những tiềm lực sẵn có, thì khi đối diện với khủng hoảng như tài chính hay các trường hợp bất khả kháng như lũ lụt, hạn hán… thông thường, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cách tiếp cận khác với doanh nghiệp Việt.
“Trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp FDI đều tập trung xử lý công việc, thay đổi hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh mới”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Lo ngại sự thiếu vững chắc trong xuất khẩu
Nhờ sức chống chịu tốt và khả năng ứng phó với dịch bệnh, tình hình sản xuất, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI vẫn khá khả quan và là trụ cột chính trong xuất khẩu Việt Nam những tháng vừa qua.
Tuy nhiên, theo Ban Dự báo kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi xuất khẩu và xuất siêu phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI dẫn đến sự thiếu vững chắc trong xuất khẩu. Nguyên nhân do nguồn cung và cầu của nhóm các doanh nghiệp này phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như TP. HCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Điều này có thể làm giảm quy mô sản xuất tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường lớn đã kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại.
Đáng chú ý, đây đều là những tỉnh thành có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn nhất cả nước (kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM chiếm 17%, Bình Dương chiếm 9,5%, Bắc Giang chiếm 4,5%, Bắc Ninh chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước).
Cùng với việc giá một số nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Do vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục xảy ra ở các khu công nghiệp lớn, có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam.
Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trong khi mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” bộc lộ nhiều bất cập, một số hiệp hội doanh nghiệp tại TP.HCM đã tìm tòi các mô hình mới như mô hình y tế tại chỗ, với sự kết hợp của 3 bên gồm chính quyền – doanh nghiệp – người lao động để duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, về phía chính quyền, cần có chính sách trao quyền cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm Covid-19. Doanh nghiệp xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành trong triển khai xét nghiệm Covid-19 và phối hợp với y tế địa phương trong công tác sàng lọc, cách ly, điều trị F0 tại doanh nghiệp. Đồng thời quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện pháp luật khi có dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ người lao động mắc Covid-19 như bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị F0 tại cơ sở y tế và tại doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội trợ cấp ngừng việc khi cách ly, điều trị Covid- 19.
"Mô hình này cần được nhân rộng và Nhà nước cần trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động tổ chức, duy trì sản xuất an toàn ", ông Phạm Bình An nhấn mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp trong nước, Bộ Công thương đề ra mục tiêu củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Đặc biệt, bên cạnh các thị trường truyền thống, thời gian tới sẽ khai thác triệt để cơ hội tại các thị trường mới như châu Phi, Nam Á, Đông Á…
Đồng thời, việc tháo nút thắt trong hoạt động lưu thông hàng hóa cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy , Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí vận tải trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tăng hiệu quả xuất khẩu.