Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược, giảm nhập siêu
(DNTO) - Việc tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19.
Từ thực tế hoạt động thương mại 8 tháng của năm 2021 cho thấy, cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón… Đáng lưu ý, giá những mặt hàng này liên tục tăng cao đã phần nào ảnh hưởng tới cung/cầu thị trường.
Chỉ thị 10 của Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã nhấn mạnh việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược này nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. VOV phỏng vấn ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về vấn đề này.
PV: Thưa ông, điểm đáng lưu ý trong Chỉ thị của Bộ Công Thương đó là việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu. Xin ông cho biết hoạt động xuất nhập khẩu nêu trên ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước như thế nào?
Ông Trần Thanh Hải: Thời gian qua tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và thời điểm vừa rồi trên thị trường cũng có những biến động về giá cả của một số mặt hàng (sắt thép, phân bón…) có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp ở trong nước.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 yêu cầu các đơn vị trong Bộ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng liên quan giám sát chặt chẽ trước các biến động như vậy để đề xuất, tham mưu những biện pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp.
Các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương cũng sẽ có giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng mà chúng ta thấy có sự biến động về giá trong thời gian vừa qua. Ví dụ như mặt hàng phân bón, sắt thép hoặc là những mặt hàng mà có tính thiết yếu liên quan đến an ninh năng lượng như mặt hàng xăng dầu.
Ngoài ra có những mặt hàng khác như gạo, đường cũng là những mặt hàng liên quan đến hoạt động sản xuất trong nước cũng như liên quan đến an ninh lương thực… đều cần phải có sự giám sát chặt chẽ hơn, để tránh xảy ra những biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu.
PV: Thưa ông, trong những tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận cán cân thương mại giá trị nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD, mặc dù chỉ ra việc nhập khẩu tới 93,8% là thuộc nhóm hàng tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu. Nếu chúng ta kiểm soát tốt các mặt hàng được đưa ra trong Chỉ thị số 10 sẽ tác động như thế nào tới cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm cũng như cả năm 2021?
Ông Trần Thanh Hải: Những tháng năm 2021 kết quả xuất nhập khẩu cũng phản ánh tình trạng nhập siêu ở mức khoảng từ 2,7-3 tỷ USD. Với tình hình hiện nay chúng ta cũng thấy là dịch bệnh đang có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh tế ở phía Nam, thì cũng có thể dẫn đến những hệ quả có thể làm gia tăng nhập siêu trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể thì chúng ta cũng thấy rằng việc nhập khẩu các mặt hàng như là sắt thép, phân bón đều nằm trong những mặt hàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất. Tình hình nhập khẩu các mặt hàng này thì trong thời gian vừa qua vẫn nằm trong mức độ kiểm soát.
Thực tế có tình trạng tăng giá thị trường trong nước và điều đó nó cũng có phần nào phản ánh từ biến động giá cả ở ngay thị trường quốc tế. Chính vì vậy chúng ta cũng phải theo dõi kỹ hơn và kể cả điều phối một cách hài hòa giữa các hoạt động nhập khẩu, hoạt động sản xuất trong nước và hoạt động xuất khẩu để làm sao tránh những biến động giá quá bất thường gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất.
PV: Xin ông cho biết những vướng mắc có thể từ thực tế cũng như yêu cầu của việc tăng cường quản lý xuất, nhập khẩu các mặt hàng trong Chỉ thị 10 gắn với việc thực thi cam kết từ các FTA?
Ông Trần Thanh Hải: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì luôn luôn có điều khoản cho phép các quốc gia vùng lãnh thổ trong trường hợp cần thiết thì có thể điều chỉnh các chính sách, và đặc biệt là việc sử dụng những công cụ (như là biện pháp phòng vệ thương mại - cũng là một biện pháp nằm trong các biện pháp) để điều tiết về hoạt động nhập khẩu. Chúng ta cũng thấy rằng tại thời điểm này thì cũng chưa xảy ra các biến động về mất cân đối cung - cầu đối với các mặt hàng, và chúng ta vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng như vậy.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các mặt hàng như sắt thép, phân bón có hiện tượng tăng giá. Tuy nhiên, đó không phải là do tình trạng thiếu giữa cung - cầu mà do nguyên liệu sản xuất của mặt hàng này hoặc giá trên thị trường thế giới tăng và tác động đến giá thị trường trong nước. Vì vậy, các cơ quan tham mưu của Bộ Công Thương cũng đang giám sát chặt chẽ và trong trường hợp cần thiết cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoặc là báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp quản lý kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!