6 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỷ USD, Bộ Công thương nói gì?
(DNTO) - Theo Bộ Công thương, chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Nhập khẩu tăng mạnh
Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng năm 2021 của Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD).
Mức nhập siêu này chủ yếu đến từ khu vực kinh tế trong nước với 15,01 tỷ USD; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng cần thiết trong 6 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 37,3%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%...
Đáng chú ý, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng này chủ yếu đến từ việc nhập khẩu rau quả tăng 17%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 38,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,3% về kim ngạch.
Trong tổng số 159,1 tỷ USD nhập khẩu trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 53,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 25,23 tỷ USD, tăng 21,6%; thị trường ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 49%; Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13%; thị trường EU đạt 8,14 tỷ USD, tăng 17,2%; Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,9%.
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 45,1 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,6 tỷ USD, tăng 25,1%; thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%; thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Nhập siêu đầu năm tăng mạnh là bình thường
Theo Bộ Công thương, nhìn chung, hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU...
Trước những lo ngại về cán cân thương mại hàng hóa mất cân bằng khi trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu tới 1,47 tỷ USD, Bộ Công thương lý giải, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
"Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới", Bộ Công thương cho biết.
Cũng theo cơ quan này, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Điển hình là ngày 7/6 mới đây, Việt Nam đã xuất khẩu thành công lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Tiếp đó, ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Trong khi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam cùng với việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, Bộ Công thương nhận định, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.
Bộ này cũng dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Hiện giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.
Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.