Doanh nghiệp nội tích cực nhập siêu để khối FDI xuất siêu lớn
(DNTO) - Tỷ trọng nhập siêu của của khối doanh nghiệp trong nước vẫn rất lớn cho thấy xu thế cải thiện cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá tính bền vững trong tương lai.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn đóng vai trò chủ đạo với kim ngạch xuất khẩu 97,88 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Phân tích về điều này, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, đặc điểm của kinh tế Việt Nam là thu hút rất mạnh FDI, rất nhiều doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu nên tỷ trọng xuất khẩu tăng nhanh. Các DN FDI có thị trường, quan hệ đối tác, có công nghệ, quản lý tốt và tiềm lực tài chính mạnh hơn... Bởi vậy, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp FDI liên tục tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu cũng như DN FDI có tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn doanh nghiệp nội địa là điều dễ hiểu.
Thực tế những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là Việt Nam xuất siêu cao chủ yếu do doanh nghiệp FDI. “Nhiều năm nay, doanh nghiệp FDI xuất siêu cao, doanh nghiệp nội địa nhập siêu lớn. Hiệu của 2 bên là xuất siêu của nền kinh tế. Xuất siêu là do doanh nghiệp FDI, thành tích xuất khẩu là do doanh nghiệp FDI quyết định”, chuyên gia Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Trên thực tế đã có một số thời điểm, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô). Như trong năm 2018 tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đạt 12,9%, năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 17,7%. Tuy nhiên năm 2020, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt đạt 281,5 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, vươn lên chiếm 72,2%.
Theo chuyên gia Lê Quốc Phương, sở dĩ năm 2018 doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khối doanh nghiệp FDI một phần do nỗ lực của chính doanh nghiệp, một phần do các giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nâng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp trong nước chưa đạt sự ổn định và không kéo dài quá lâu. Các doanh nghiệp Việt có cải thiện về tỷ trọng xuất khẩu nhưng quá chậm, chưa ổn định.
“Điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp nội vẫn là nhập siêu từ đó cho thấy xu thế cải thiện của doanh nghiệp Việt trong cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá bền vững nên còn phải nỗ lực nhiều. Chính phủ phải hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, chính sách phải phù hợp trong khuôn khổ các cam kết quốc tế. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để cải thiện vị thế trong xuất khẩu”, ông Phương lưu ý.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, không có quốc gia nào phát triển được nếu chỉ trông vào đầu tư nước ngoài. Nếu không tự lực, cứ trông cậy vào đầu tư nước ngoài thì mãi mãi sẽ rơi vào thế khó; phải lớn mạnh hơn bằng cách xây dựng thương hiệu mạnh hơn về công nghiệp cho riêng mình.
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, thời gian tới cần quan tâm và chú trọng hơn trong việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho doanh nghiệp FDI tạo ra. Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam; chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi, khuyến khích doanh nghiệp FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho doanh nghiệp trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm, thời gian tới phải khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao nhằm củng cố nền tảng công nghiệp trong nước. Việt Nam thu hút vốn FDI phải áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đưa ra những ưu đãi về thuế, cơ chế, đổi lại yêu cầu rõ ràng phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ…