Nhiều kiến nghị cấp thiết của doanh nghiệp tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ

(DNTO) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là mắt xích nền tảng mà còn là lực đỡ cho các "đại bàng" cất cánh. Tuy nhiên, họ vẫn đang bị bỏ lại phía sau trong chính sách, hạ tầng và hỗ trợ thực chất.
Ngày 13/7, tại Lạng Sơn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức Vòng đối thoại địa phương Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 - Cụm miền núi Đông Bắc Bộ. Đây là một trong chuỗi đối thoại địa phương trên toàn quốc – một phần rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị nội dung cho Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025.
Dự Diễn đàn, có ông Hoàng Bình Quân, nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội: ông Nguyễn Hồng Phong, ông Hoàng Công Đoàn. Về phía tỉnh Lạng Sơn có ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; cùng đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp trong cụm miền núi Đông Bắc Bộ.

Không thể phát triển khi thiếu doanh nghiệp nhỏ
Từ góc độ tổng quan, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn đánh giá “Bộ tứ Nghị quyết” (các Nghị quyết 57, 59, 66, 68) đã hình thành nên một hệ sinh thái chính sách đồng bộ. Trong đó, chuyển đổi số được xác định là “con đường ngắn nhất” giúp vùng núi rút ngắn khoảng cách phát triển - từ ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm đặc sản đến thương mại điện tử nông sản.
Tại phiên đối thoại, nhiều doanh nhân trẻ đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt rào cản đang “trói chân” doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng chia sẻ: “Muốn đầu tư mỏ đá cũng phải đi qua 14 thủ tục, trong đó không ít khâu kéo dài vì lý do ‘chưa có quy hoạch’, ‘chờ hướng dẫn’. Trong khi đó, thị trường không chờ, cơ hội không đợi”. Đây không phải câu chuyện riêng của Cao Bằng. Nhiều tỉnh miền núi khác cũng gặp tình trạng tương tự: doanh nghiệp nhỏ thiếu mặt bằng sản xuất, khó tiếp cận vốn, thiếu cơ hội tham gia chuỗi giá trị.

Ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng phát biểu.
Nhiều đến mức, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phải đặt câu hỏi, vì sao Nhà nước luôn đặt ưu tiên cắt giảm thủ tục hành chính mà đến giờ vẫn doanh nghiệp vẫn phải đề nghị cắt giảm. “Doanh nghiệp của Cao Bằng nói dự án cần tới 14 con dấu, nhưng thực tế nhiều dự án cần nhiều hơn thế. Đây là điều chúng ta phải tiếp tục gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ để thực sự thay đổi”, ông Minh nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật thì thẳng thắn: “Không có doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có “chim ri”, thì 'đại bàng' sống với ai?”. Theo bà, nếu chỉ chăm chăm thu hút doanh nghiệp lớn mà không tạo được hệ sinh thái đủ rộng để doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển thì chiến lược phát triển sẽ mất cân bằng và thiếu bền vững. Ý kiến này được ông Hoàng Bình Quân, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hết sức tán đồng.

Nhiều tâm tư được bà Bùi Thị Bích Đào gửi gắm tại Phiên đối thoại.
Còn ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang (mới) cho rằng, “Muốn khởi nghiệp vùng cao, trước tiên phải giành lại quyền tồn tại công bằng”. Ông Định – một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ bộc bạch, hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương đang bị “lấn át” bởi chính các tập đoàn lớn - những đơn vị lẽ ra đóng vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo, lại đang chen chân vào cả những thị trường nhỏ lẻ vốn là “đất sống” duy nhất cho startup địa phương. Hệ quả là khởi nghiệp sáng tạo không thể lớn, thậm chí bị triệt tiêu “từ trong trứng nước”.
Tiếng nói doanh nghiệp phải đi vào chính sách
Phát biểu tại phiên đối thoại, ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025 – nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong hành trình đó, kinh tế tư nhân không chỉ là động lực, mà là trụ cột chiến lược".
Theo ông Đoàn, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025 lần này không chỉ là nơi ghi nhận tiếng nói của doanh nghiệp, mà còn là không gian phản biện và đề xuất chính sách, được kết nối liên thông từ cấp cơ sở đến cấp bộ, ngành và Chính phủ. Ông nhấn mạnh bối cảnh hiện tại có nhiều thuận lợi chiến lược: Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ nghị quyết” gồm các Nghị quyết 57, 59, 66 và đặc biệt là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân – thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cải cách thể chế, trao quyền cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025 phát biểu.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức riêng của khu vực Đông Bắc Bộ: hạ tầng thiếu đồng bộ, chi phí logistics cao, nguồn nhân lực hạn chế, quy mô doanh nghiệp nhỏ lẻ, và khả năng tiếp cận chính sách còn yếu. “Điều quan trọng là phải cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ, để những tiếng nói từ biên cương đất nước có thể đi vào đời sống chính sách ở cấp cao hơn”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy sự hài lòng làm thước đo
Tại phiên đối thoại, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận và đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, trong phát triển kinh tế địa phương. Ông cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của tỉnh tăng 8,37%, vượt chỉ tiêu Trung ương giao; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 40,5 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ.
Dù vậy, ông Sơn thẳng thắn thừa nhận: khu vực kinh tế tư nhân Lạng Sơn còn nhỏ bé, chỉ chiếm 0,55% tổng số doanh nghiệp cả nước. “Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 18.000 doanh nghiệp, tăng gấp 5,6 lần so với hiện tại; tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu dân cao hơn trung bình cả nước”, ông nói.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp trẻ tích cực tham gia góp ý chính sách, đổi mới mô hình kinh doanh, chủ động chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Chính quyền sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo thực thi công vụ”, ông Sơn cam kết.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trực tiếp phát biểu và đối thoại với doanh nghiệp.
Diễn đàn tại Lạng Sơn không chỉ là dịp để các doanh nhân miền núi lên tiếng, mà còn là bước đầu tiên trong lộ trình đối thoại ba vòng của Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025. Những kiến nghị và thực trạng nêu ra tại đây cùng với tại các phiên đối thoại địa phương khác sẽ được tổng hợp thành Tuyên bố chung và Sách Trắng Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 trình tại phiên đối thoại cấp cao vào tháng 9 năm nay.
Nếu không cải thiện chính sách cho doanh nghiệp nhỏ, không tạo không gian cho những người trẻ có thể khởi nghiệp ngay tại quê hương mình, thì việc nói đến “tăng trưởng bao trùm” hay “phát triển bền vững” sẽ chỉ là khẩu hiệu. Và nếu không có “chim ri”, thì “đại bàng” cũng sẽ đơn độc.