Nở rộ thị trường văn phòng ảo: Kẽ hở cho các 'doanh nghiệp ma'
(DNTO) - Được đánh giá là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, ít thành viên và vốn ngắn, song văn phòng ảo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến tướng, thành lập doanh nghiệp ảo.
Theo số liệu tổng quan thị trường bất động sản của Savills Việt Nam, lĩnh vực văn phòng cho thuê đang có những hoạt động tích cực. Trong đó, tại Hà Nội, nguồn cung văn phòng trong quý I/2021 trên 2 triệu m2, tăng 3% theo quý và 10% theo năm với công suất cho thuê giữ ổn định tại mức 89%.
Nở rộ văn phòng ảo
Đại dịch Covid-19 làm rõ hơn sự xuất hiện của một phân khúc ngách của thị trường văn phòng là văn phòng ảo. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, dịch vụ văn phòng ảo được các doanh nghiệp start-up và có quy mô nhỏ xem là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp có một văn phòng hoạt động với chi phí thấp hơn so với thuê mặt bằng văn phòng.
Theo đó, các nhà cung cấp văn phòng ảo giúp người thuê đăng ký địa chỉ chính thức trong toà nhà của họ kèm theo các dịch vụ như nhận thư, cung cấp phòng họp khi cần thiết. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chỉ cần đăng ký địa chỉ văn phòng và làm việc ở bất cứ đâu.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, hiện chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc thiết lập các văn phòng ảo trong khi các doanh nghiệp không có chỗ ngồi thực tế hay hợp đồng thuê cụ thể mà chỉ cần một địa chỉ để đăng ký kinh doanh, đăng ký tên miền doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp dùng mô hình này thường sẽ thuê theo tháng hoặc trả tiền thuê theo số ngày ngồi tại văn phòng. Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ văn phòng ảo cần có trách nhiệm nhận báo cáo của các công ty thuê chỗ ngồi, và giữ liên hệ.
Theo bà Minh, nhờ sự linh hoạt của mình, các mô hình văn phòng thay thế hiện nay phù hợp với đối tượng khách hàng nhất định như lao động tự do, doanh nghiệp start-up, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc mới đặt chân tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mô hình văn phòng ảo đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm trước. Trong đó thời điểm 2016, loại hình này đã gây ra nhiều tranh cãi về việc liệu mô hình này có hợp pháp và khi cùng một địa điểm, chỉ khoảng 100 m2 lại có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm DN cùng chen chân đăng ký để được cấp giấy phép kinh doanh, đặt trụ sở doanh nghiệp. Chính điều này dễ dẫn đến sự chồng lấn, khó quản lý đối với các doanh nghiệp.
Kẽ hở cho các 'doanh nghiệp ma'
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty luật “Nay và Mai” theo quy định Luật doanh nghiệp năm 2014, khi thành lập và hoạt động, doanh phải có trụ sở và địa chỉ rõ ràng. Trụ sở này có thể thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc đi thuê.
Song, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể diện tích tối thiểu để làm trụ sở của doanh nghiệp là bao nhiêu. Đây chính là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp thuê văn phòng ảo, một địa điểm chỉ vài chục m2 mà có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp đăng ký, treo biển làm trụ sở để được cấp đăng ký kinh doanh.
Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết, không ít trường hợp dựa vào kẽ hở này để mua bán hóa đơn trái pháp luật và thực hiện nhiều hành vi vi phạm. Mặt khác, trường hợp xảy ra tranh chấp, sẽ rất khó giải quyết vì không thể tìm được người bán. Thậm chí, nếu người mua hàng muốn khởi kiện người bán ra tòa án mà không xác định được chính xác địa chỉ trụ sở chính của bên bán hàng, cũng không đủ điều kiện để tòa án thụ lý, giải quyết.
Thực tế, mới đây, một doanh nghiệp sơ khai "12 ngày tuổi" tại TP.HCM đăng ký vốn thành lập 500.000 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Doanh nghiệp có tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), địa chỉ trụ sở chính đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (quận 1, TP.HCM). Đáng chú ý, trụ sở của doanh nghiệp này đều là văn phòng ảo được thuê với giá chỉ 1,2 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia cho rằng, văn phòng ảo có thể sẽ là kẽ hở dành cho các doanh nghiệp “ảo”, doanh nghiệp “ma” nở rộ, các doanh nghiệp tự thành lập, thổi phồng vốn để đánh bóng tên tuổi. Hoặc lợi dụng để lách luật bằng cách mua bán hóa đơn, trốn thuế, nợ bảo hiểm…, ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh.