Thị trường dành cho người cao tuổi: Lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn.

(DNTO) - Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi dân số nhanh chóng. Sự già hóa dân số là cơ hội để phát triển thị trường hàng hóa phục vụ nhu cầu đặc thù cho người cao tuổi, giới chuyên môn gọi là nền kinh tế bạc. Hiện nay, tuy chưa được khai thác triệt để nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn trong lĩnh vực này.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, nước ta bắt đầu quá trình già hóa dân số với tốc độ lao nhanh khủng khiếp. Dự báo đến năm 2030, nhóm này đạt xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Cùng với mức sinh thay thế lao ở dốc ngược lại, Việt Nam được nhận định có thể trở thành quốc gia có dân số “già đậm” vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049.
Người cao tuổi ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho người già ngày càng tăng cao, Cách đây 10 năm, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội này, đã đưa người già vào đối tượng khảo sát của thị trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có biến động về giá cả và thu nhập của người lao động khiến cho đến nay phân khúc thị trường mới được chú ý. Song, nguồn cung vẫn chưa phong phú, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Các mô hình kinh doanh như viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang ngày càng phát triển. Ảnh: Internet
Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới dành cho người già
Thị trường bất động sản cho người cao tuổi
Các mô hình kinh doanh như viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, và các dịch vụ hỗ trợ tại nhà đang ngày càng phát triển. Trước đây, viện dưỡng lão truyền thống được hình thành từ phúc lợi xã hội, hoặc các cơ sở thiện nguyện, chủ yếu hướng tới chăm sóc y tế và sinh hoạt cho người già yếu hoặc người già đơn thân. Theo quan niệm cũ, người già vào viện dưỡng lão bị xem như điều bất hạnh, xấu hổ vì bị con cái bỏ rơi…
Ngày nay, trước thực trạng già hóa dân số nhanh cùng với điều kiện kinh tế ngày càng cao, quan điểm sống của người Việt ngày càng cởi mở, mô hình nhà ở chuyên biệt gọi nôm na là nhà/viện dưỡng lão hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng…
Chỉ hai thập kỷ tới, các thế hệ genY, gen Z, hiện được xem là các thế hệ giàu có hôm nay sẽ trở thành người già. Đây là "khách hàng tiềm năng" cho nền “Kinh tế bạc”. Khi đó, mô hình viện dưỡng lão nội trú, bán trú với đầy đủ các dịch vụ cao cấp dành cho người cao tuổi sẽ trở thành một thị trường nhộn nhịp, mang đến lợi nhuận siêu khủng cho nhà đầu tư.
Thị trường dịch vụ chăm sóc người già
Đứng sau thị trường bất động sản cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với nhiều cơ hội phát triển.
Xuất phát từ mức sinh thấp, dân số già gia tăng làm sự thay đổi cấu trúc gia đình, cộng thêm xu hướng tập trung lao động về các đô thị lớn, hoặc xuất ngoại lao động… các yếu tố này hình thành các gia đình chỉ có bố mẹ cao tuổi ở với nhau, dẫn đến nhu cầu thuê dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thay cho con cái ngày càng phổ biến.
Dịch vụ bao gồm hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và cả chăm sóc y tế như đo huyết áp, cho uống thuốc, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… tư vấn pháp lý, tài chính, tư vấn tâm lý sức khỏe… Đây là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến thị trường này. mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư.
Thị trường hàng hóa dành cho người cao tuổi.
Thị trường hàng hóa dành cho người cao tuổi rất đa dạng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như:
- Thực phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa, bổ sung canxi và dưỡng chất;Ngũ cốc, hỗ trợ hệ tiêu hóa và chức năng não bộ; Thực phẩm chế biến sẵn phù hợp cho người già.
- Thiết bị hỗ trợ sức khỏe: như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, các thiết bị hỗ trợ đi lại, các sản phẩm chăm sóc da dành cho người già; Gậy chống, bồn cầu, Sản phẩm hỗ trợ vệ sinh như ghế tắm, đệm hơi chống loét, ghế bô, bồn cầu di động; Thiết bị trợ thính; Thiết bị hỗ trợ tập thể dục; Thiết bị hỗ trợ giấc ngủ…
- Đồ dùng cá nhân: Quần áo, giày dép, túi xách, nón… được thiết kế đặc biệt, phù hợp với người cao tuổi.

Siêu thị dành cho người cao tuổi tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: Internet
- Sản phẩm giải trí, thư giãn: Sách nói, máy nghe nhạc, đầu tư các kênh truyền hình, truyền thanh có chương trình dành riêng cho người cao tuổi. Cùng với đài phát thanh và truyền hình, các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng dành cho người cao tuổi, nên có phần mềm riêng phù hợp, dễ sử dụng. Cũng không nên bỏ qua các tour du lịch dành cho người già.
Người già ngày nay không chỉ mong muốn có một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn mà còn muốn tận hưởng cuộc sống. Kinh doanh sản phẩm cho người già đang trở thành một lĩnh vực rất tiềm năng. Với sự am hiểu về nhu cầu của người già và áp dụng các chiến lược kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thành công trong phân khúc thị trường này, mặc dù vẫn con không ít thách thức phải đối mặt.