Gỡ khó cho doanh nghiệp thuỷ sản
(DNTO) - Để duy trì hợp đồng, đảm bảo chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã phải chạy đôn chạy đáo đáp ứng đủ điều kiện vận hành sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định của thành phố. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tuần áp dụng, nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ "hụt hơi" nếu kéo dài tình trạng này.
"Hụt hơi" vì 3 tại chỗ
Áp dụng phương án "3 tại chỗ" không đơn giản chỉ là vấn đề ăn, ngủ cho nhân viên mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuỗi cung ứng tắc nghẽn khiến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo bếp ăn cho hàng ngàn công nhân khá vất vả.
Thêm vào đó, chi phí để thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động cũng đang là gánh nặng cho doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, khiến không ít nhà máy phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ hoặc do thiếu hụt lao động vì giãn cách, phong tỏa.
Cụ thể như, một doanh nghiệp sản xuất với 500 công nhân thực hiện "3 tại chỗ" sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí một lần xét nghiệm (150.000 đồng/kit test). Nếu doanh nghiệp có 1.000-2.000 công nhân, số tiền đó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nếu phương án này kéo dài thì một tháng, doanh nghiệp mất hàng trăm triệu đồng cho chi phí này.
"Trong giai đoạn này doanh nghiệp chủ yếu duy trì bạn hàng, đối tác chứ chi phí để sản xuất đã bào mòn phần lớn lợi nhuận. Nhưng doanh nghiệp cũng chỉ gồng gánh trong một khoảng thời gian ngắn, còn nếu tình trạng sản xuất như thế này kéo dài thì sẽ rất khó khăn, nhất là chi phí xét nghiệm hàng tuần khiến doanh nghiệp không chịu nổi” - đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Theo bà Tạ Hà - chuyên gia Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), phản ánh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm từ miền Trung tới Sóc Trăng, Cà Mau cho thấy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và lan ra các tỉnh lân cận vùng Đồng bằng sông Cửu Long quá nhanh khiến nhiều doanh nghiệp dù đã tính trước phương án ứng phó nhưng vẫn không khỏi bị động, lúng túng.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm công suất chế biến từ 30 - 90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động.
Ông Trần Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cũng cho rằng, thực hiện "3 tại chỗ" khiến công ty tốn kém thêm nhiều chi phí từ tiền xét nghiệm định kỳ, tiền lo ăn 3 bữa cho khoảng 1.400 nhân viên, tiền mua chăn màn, chiếu, gối để công nhân ở lại. Nhưng khó khăn nhất là hiện có nhiều doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30-40% công nhân đi làm khiến công suất hoạt động bị ảnh hưởng lớn.
Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm bức xúc phản ánh, đúng lúc khó khăn thì nhiều chuyện vô lý cản trở thêm. Chẳng hạn như xe chở thức ăn nuôi tôm xuống vùng nuôi bị kiểm tra tải trọng xe hay xe chở đầu vỏ tôm không được qua Cần Thơ để bán cho nhà máy chế biến vì không phải xe chở hàng thiết yếu.
Do thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành thủy sản cũng bị đóng cửa. Các doanh nghiệp thủy sản lại tiếp tục chật vật đôn đáo tìm các nhà cung cấp thay thế, tuy nhiên, hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng.
Đặc biệt, trong khi ở miền Tây, tôm nguyên liệu vào vụ, doanh nghiệp không mua được thì các doanh nghiệp tại các tỉnh ven biển như: Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu. Với tình hình hiện tại, nguy cơ chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa bị đứt gãy ngày càng cao, buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp cung ứng trong nước sẽ mất thị phần.
Ngoài ra, các địa phương đều giãn cách hoặc một số cảng cá bị phong tỏa do có các ca dương tính Covid-19. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc... cũng khiến các doanh nghiệp chỉ biết "kêu trời".
Cần nhiều giải pháp để "cứu" doanh nghiệp
Trước những khó khăn, vướng mắc bủa vây doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng vào cuộc đề nghị UBND các địa phương phía Nam thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, các địa phương quan tâm, động viên các doanh nghiệp và chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và giám sát việc tuân thủ mô hình sản xuất “3 tại chỗ, “một cung đường - 2 địa điểm” theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người lao động là trước hết và trên hết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành chức năng liên hệ từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công lao động duy trì sản xuất, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Thành phố nên xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp như đang áp dụng xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng thời gian qua để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sản xuất, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn bảo đảm không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu các doanh nghiệp phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.
Thời gian qua, sau khi thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp tiếp tục xoay sở, cân đối tài chính, thay đổi, sắp xếp kế hoạch sản xuất theo thứ tự ưu tiên cho từng đối tượng khách hàng, từng đơn hàng, tận dụng tối đa hàng trong kho… Tuy vậy vẫn không ít khách hàng, nhà nhập khẩu đòi hủy đơn hàng, bồi thường vì giao hàng trễ.
"Điều mong mỏi của các doanh nghiệp lúc này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân, người lao động được tiêm vaccine càng sớm càng tốt để tiếp tục an tâm hoạt động" - Bộ NN&PTNT nhận định.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị ưu tiên hướng dẫn xét nghiệm và tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối, thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ, duy trì sản xuất trước mắt và lâu dài, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Đồng thời, thống nhất các kiến nghị của địa phương sẽ hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng lao động là tài xế, tài công tại các doanh nghiệp dựa trên danh sách do doanh nghiệp lập ra. Ngay cả các thương lái đi thu mua thủy hải sản trên đường bộ lẫn đường thủy cũng được giải quyết tương tự. Khi đó, những người tham gia vận chuyển sẽ được cấp "thẻ xanh" theo hình thức mẫu gộp để trình cho các trạm, chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Ngoài ra, đề nghị các tỉnh tiếp tục rà soát, tìm hiểu kỹ giá thu mua bình quân của công ty, doanh nghiệp tại nhà máy, với giá thu mua đại lý tại đầm nuôi. So sánh đối chiếu, xem xét có hay không dấu hiệu lợi dụng tình hình thời điểm khó khăn để ép giá, trục lợi từ khâu trung gian để kịp thời báo cáo tham mưu, đề xuất chấn chỉnh.