Tìm lời giải để 'hạ nhiệt' giá nguyên liệu thức ăn thuỷ sản
(DNTO) - Được coi là quốc gia nông nghiệp nhưng mỗi năm, Việt Nam phải nhập nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản. Nghịch lý này khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục "phi mã". Nếu không chủ động tìm lời giải cho "bài toán" nguyên liệu sản xuất, ngành chăn nuôi khó có thể phát triển bền vững.
Giá nguyên liệu liên tục leo thang
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2021 tăng cao hơn năm 2020. Cụ thể, biên độ giá một số nguyên liệu từ tháng 1/2021 như bột cá, bã nành, bột thịt gà, bắp, sắn lát... tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới như hiện nay. Cụ thể, giá ngô, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4 tại CBOT tương ứng 249-258 USD/ tấn.
Lý do được cho là chi phí sản xuất tăng, biến đổi khí hậu, các quỹ đầu tư lớn đều chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất chăn nuôi trong nước.
Theo Cục Chăn nuôi, một số nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam như bắp, bã đậu nành - hai nguyên liệu chính trong thức ăn thuỷ sản đã tăng gần gấp đôi. Điều này khiến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn thuỷ sản tăng giá bán so với trước đây.
Cụ thể, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng Hoàng Mạnh Ngọc, chuyên bán trứng và gia cầm giống ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh), cho biết: Giá các loại cám cho gia cầm đã tăng từ 800 đồng/kg lên 1.200-1.300 đồng/kg. Với tổng đàn 2,5 vạn con gà như hiện nay và giá bán trứng chỉ 1.100 đồng/quả, giá gà giống là 10.000 đồng/1 con, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước thì trung bình mỗi tháng, công ty này thua lỗ hơn 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) thông tin: 5 tháng nay, giá thức ăn chăn nuôi đã qua 7 lần điều chỉnh, hiện tại, giá các loại cám cho lợn là 1.500 đồng/kg, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn “đứng” ở mức cao.
Về thực tế này, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ thông tin thêm, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số nguyên liệu chính như ngô từ 4.500 đồng/kg tăng lên 7.000 đồng/kg, đậu tương từ 9.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/ kg...; thậm chí giá một số phụ gia như lysine, axit amin tăng gấp đôi... đã kéo giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam tăng chóng mặt.
Đi tìm lời giải
Với diễn biến thị trường hiện nay, ngành Nông nghiệp dự báo, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục "phi mã" trong những tháng tới.
Trước bất cập này, các chuyên gia cho rằng cần tự chủ nguyên liệu trong nước, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, điều này sẽ khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro, giá trị của ngành không cao.
Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến mặt hàng này; cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, mỗi năm Việt Nam nhập hàng tỷ USD để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi đó, có nhiều loại nguyên liệu như bắp, đậu nành, bột cá, mỡ động vật... chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất trong nước. Do còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang và khó kiểm soát.
Lý giải việc nhiều nhà máy Việt Nam vẫn có thói quen nhập khẩu bột cá về sản xuất thức ăn thuỷ sản, các chuyên gia phân tích: Các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị liên doanh với nước ngoài vẫn nhập khẩu bột cá, mặc dù giá cũng tương đương trong nước, nhưng bột cá nhập khẩu thường có các chứng nhận quốc tế, đảm bảo tốt về truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho xuất khẩu, tránh tình trạng "ăn đong", khâu logistics cần trơn tru hơn. Bản thân doanh nghiệp nhờ chủ động được giống, thức ăn nên chủ động được về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Về nguồn vốn đầu tư để chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian để giảm giá bán đến tay người chăn nuôi, đồng hành cùng bà con trong thời gian này.
Một số giải pháp được triển khai đồng bộ hiện nay là tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý tốt để giảm rủi ro bằng cách quan trắc, dự báo môi trường thời tiết, giúp người dân chủ động phòng tránh.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Việc giảm chi phí đầu vào, trong đó giảm chi phí thức ăn sẽ giúp người chăn nuôi và doanh nghiệp có thêm lợi nhuận để đầu tư và phát triển sản xuất.
"Việc hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi ngoại nhập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nếu không tìm được lời giải hiệu quả cho "bài toán" này thì những khó khăn của người chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn" - Thứ trưởng Tiến nhận định.
Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước như bã men bia, bã dứa, bã sắn, vỏ đầu tôm, đầu xương, mỡ cá tra… để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.