Bàn giải pháp cởi 'nút thắt' logistics cho nông sản đất Chín Rồng 'cất cánh'
(DNTO) - Mặc dù là “vựa nông sản” của cả nước nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực gánh chi phí logistics cao nhất, mâu thuẫn với đóng góp về hàng hoá của vùng. Để nâng cao sức cạnh tranh so với nông sản của các nước khác, bài toán kéo giảm chi phí logictics vẫn còn đặt ra nhiều thách thức.
Khơi thông “dòng chảy” cho nông sản đến thị trường nhanh hơn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống sông ngòi lớn, đa dạng, tổng chiều dài gần 28.000km, rất phù hợp để phát triển giao thông đường thủy, nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô rất hạn chế, được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự lưu thông của hàng hóa nói riêng và kinh tế vùng nói chung, bởi gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, phần lớn dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ, chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics...
Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như: dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Phát biểu tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”, sáng 26/5, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: "ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời để cởi nút thắt này”.
Để phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Công cho hay, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.
"Cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics. Điểm đột phá đầu tiên là phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa", ông Công nhận định và cho rằng, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước theo hướng tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh làm động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistics.
Liên quan đến giải pháp khắc phục bất cập logistics trong vùng, ông Đặng Anh Diệp, Phó tổng chi nhánh Tân cảng ĐBSCL đề xuất 2 giải pháp chính gồm: Cải tạo nâng cấp và khai thác hiệu quả các cảng hiện hữu như Cần Thơ, Long An, An Giang, Trà Vinh để đáp ứng tối đa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh hình thành trung tâm logistics vùng để phát triển công nghiệp và hàng hóa qua cảng biển.
Cũng theo ông Diệp, hiện cảng quốc tế Long An cũng đang phát triển hệ thống kho lạnh và đang được rất nhiều khách hàng đánh giá cao. Theo ông Diệp, việc phát triển hệ thống kho lạnh tại cảng hiện nay sẽ là tiền đề để có thể liên kết mạng lưới "bus container".
"Theo đề án này, các cảng sông nội địa trong khu vực sẽ trở thành các trạm "tàu bus", là "nhà chờ các tàu chở container" một cách đúng giờ, trật tự, kết nối liên lạc với nhau để vận chuyển hàng hóa trong các container tập trung về bến cuối là Cảng quốc tế Long An và từ đó tiếp tục lưu thông với quốc tế", ông Diệp cho hay.
Kinh nghiệm kéo giảm chi phí logictics từ doanh nghiệp
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics) - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản chủ yếu đi các thị trường Mỹ, Úc, Canada, châu Âu cho biết, để giải quyết triệt để thực trạng “giải cứu nông sản” nhức nhối nhiều năm qua, đồng thời giúp nông sản đủ sức cạnh tranh với nông sản các nước, cần có những trung tâm logistics của vùng.
Trung tâm này được thành lập kỳ vọng giảm chi phí logictics từ 30% xuống còn 15%, là trung tâm “một điểm đến đa dịch vụ” giúp người nông dân chỉ cần chở hàng tới trung tâm này là có thể xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài giúp cắt giảm chi phí logistics.
"Tại trung tâm này có tất cả các dịch vụ từ khi người nông dân mang nông sản tới, trung tâm sẽ được đưa vào dây chuyền phân loại, đóng gói, sơ chế và bảo quản mát ở nhiệt độ thích hợp, nhằm giữ cho nông sản tăng thời gian bảo quản từ 3-5 ngày lên hai- ba tháng. Sau khi qua kho bảo quản, sản phẩm sẽ xuất khẩu trực tiếp tới cảng và ra nước ngoài", ông Hoài chia sẻ.
"Để nông sản ĐBSCL phát triển vươn tầm thế giới, cạnh tranh với các nước trong khu vực, bắt buộc phải phát triển các trung tâm logistics ở Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang hay Long An. Bên cạnh ưu đãi của địa phương, Chính phủ cần có những chính sách về hỗ trợ cũng như ưu đãi cho bốn nhà: Nhà nông - người kinh doanh nông sản - đối tác nước ngoài - doanh nghiệp", ông Hoài cho hay.
Ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Công ty CP vận tải thủy Tân cảng Sài Gòn cho biết, muốn giảm chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cần thiết lập cảng biển đủ lớn tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ để tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu trực tiếp của các tỉnh lân cận.
Từ ngày 1/4/2022, TP.HCM thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển đối với các container hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng của thành phố. Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, chính vì thế, phát triển cảng biển tại Cần Thơ là vấn đế cấp bách hơn. Hy vọng các lô hàng thủy sản sẽ được xuất khẩu trực tiếp tại cảng tại Cần Thơ.
"Đối với hệ thống cảng hiện nay tại ĐBSCL, tỷ lệ hàng hóa lưu thông qua các cảng chỉ chiếm khoảng 3% lượng hàng hóa xuất khẩu, riêng hàng container chưa được 1%. Đây là câu chuyện rất lớn và khó đặt ra cho các tỉnh ĐBSCL trong việc phát triển hệ thống cảng, đồng thời cần những chính sách đặc thù. Nếu như có hệ thống cảng đủ lớn, đón được tàu container, cũng như được kết nối tốt sẽ giải được bài toán giảm chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL", ông Khánh cho hay.