Nguy cơ mất đơn hàng bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu
(DNTO) - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang các đối tác khác.
Gắng gượng duy trì sản xuất
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, cùng với các lệnh giãn cách áp xuống nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, hoạt động thu hoạch, vận chuyển nguyên liệu sản xuất cà phê của Công ty Simexco Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.
Tại thị trường trong nước, kênh phân phối cà phê rang xay cho hệ thống nhà hàng, quán cà phê… gần như đóng băng bởi các lệnh giãn cách xã hội. Đối với xuất khẩu, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm như cà phê cũng sụt giảm.
Ngoài ra, năng lực của các nhà nhập khẩu hiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng gia tăng rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Không chỉ xuất khẩu là xong mà còn phải kiểm tra năng lực của người mua, cho dù hình thức thanh toán có tối ưu nhất, nhưng năng lực người mua không thể chi trả, dù chỉ là một lượng hàng nhỏ nhưng đủ để khiến doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ”, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cho biết.
Tình trạng khó khăn sản xuất cũng xảy ra với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T vì thiếu nhân công thu hoạch, bị hạn chế thời gian làm việc. Hiện công suất các nhà máy của Công ty Vina T&T giảm từ 70-80% so với thời điểm trước dịch.
Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, lo ngại lớn nhất là tình trạng nông sản không được thu hoạch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bà con nông dân nhiều nơi có tâm lý bỏ vùng sản xuất, gây nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, ông Tùng mong muốn các địa phương cần có thông tin chính xác, kịp thời để bà con hiểu rõ diễn biến thị trường trong nước và thế giới, và có kế hoạch cung ứng liên tục vật tư nông nghiệp để bà con có thể quay trở lại sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho xuất khẩu.
Dịch Covid-19 cũng đang gây khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa xuất khẩu. Tại Tân cảng Cát Lái – nơi chiếm tới 71% sản lượng container của cả khu vực cảng TP.HCM những ngày tháng 7 liên tục ở trong trạng thái ùn tắc, khiến các doanh nghiệp luôn rơi vào tình trạng giao nhận hàng không đúng thời gian trên hợp đồng.
Cũng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để duy trì sản xuất, đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã kí kết, doanh nghiệp phải chi tới hàng chục tỉ đồng, thậm chí chịu lỗ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, do sức ép tài chính nên đây cũng chỉ là phương án tạm thời và không thể đảm bảo sản xuất trong dài hạn.
Lo ngại các nhà nhập khẩu quay lưng
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước hai mối lo lớn, đến từ cả phía cung và phía cầu.
Về phía cung là mối lo về việc đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các vùng dịch. Bởi đặc trưng của ngành công nghiệp là kết nối theo chuỗi, nếu việc phòng dịch thắt chặt quá mức làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn cung lao động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào của doanh nghiệp.
Về phía cầu, Cục Công nghiệp dự báo các đơn hàng trong nước của doanh nghiệp trong ngành như ô tô, cơ khí, thép sẽ sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách xã hội.
Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày có thể thêm các đơn hàng xuất khẩu do nhu cầu thế giới phục hồi, tuy nhiên, nếu tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục xảy ra, doanh nghiệp chưa thể quay trở lại sản xuất thì sẽ phải đối mặt với tình trạng đối tác dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác.
“Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài”, Cục Công nghiệp nhận định.
Do vậy, những giải pháp cấp bách, đồng bộ để giữ vững “thành trì sản xuất” rất quan trọng, không chỉ giúp hạn chế nhập siêu, bảo đảm việc làm cho hàng trục triệu lao động trực tiếp, mà còn tác động đến an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô Việt Nam trong thời gian tới.