Doanh nghiệp '3 tại chỗ' mong có thêm 'vùng đệm' để bảo vệ chuỗi cung ứng
(DNTO) - Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang hiện hữu bởi phương thức sản xuất “3 tại chỗ” đã tỏ ra kém hiệu quả khi áp dụng tại các doanh nghiệp, do đó, tạo “vùng đệm” để khắc phục những điểm yếu của “3 tại chỗ” thực sự là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp vào lúc này.
Thiếu nhân lực để giữ "trận địa"
Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, việc triển khai “3 tại chỗ” là phương án duy nhất để các doanh nghiệp duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây cũng là lựa chọn rất khó khăn nhưng cấp thiết lúc này. Tuy nhiên, bên cạnh gánh nặng chi phí thì thực tế đã chỉ ra rằng, mô hình này chưa phù hợp với điều kiện sản xuất cần nhiều lao động như tại các nhà máy ở miền Nam.
Cụ thể như tại Đồng Nai, có hơn 220 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí cho hơn 37.000 lao động lưu trú tại công ty theo phương án "3 tại chỗ". Nhiều doanh nghiệp cũng đã đăng ký tạm trú cho công nhân làm việc tại công ty. Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn với một tỉnh có hơn 30 khu công nghiệp và khoảng 620.000 lao động.
Cầm chắc công ty sẽ lỗ, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn cố bám trụ sản xuất, dù họ đối mặt nguy cơ phải chịu trách nhiệm nếu chẳng may có công nhân trở thành F0.
Cụ thể, trường hợp 248 công nhân của Công ty Long Việt (TP Dĩ An, Bình Dương) mắc Covid-19 trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" mới đây khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cũng đang áp dụng mô hình này đứng ngồi không yên dù đã căng mình thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan chia sẻ, doanh nghiệp này đã áp dụng nghiêm ngặt phương án sản xuất “3 tại chỗ” từ 24/6, nhưng vẫn phát hiện nhiều ca F0 trong nhà máy, khiến họ buộc phải dừng hoạt động từ 29/7, dẫn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường TP.HCM mất đi 30%.
“Hiện công ty có 700 ca F1 liên quan đến các ca F0, khiến sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Các F1 này được cách ly tại nhiều nơi, thậm chí ở trong khuôn viên công ty. Việc này đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người lao động, thậm chí người ta muốn nghỉ làm, gây áp lực cho doanh nghiệp bị bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi chỉ cần doanh nghiệp chậm đáp ứng đơn hàng quốc tế, ví dụ như chậm đơn hàng đi Mỹ trong vòng 1-2 tuần, bạn hàng ngay lập tức sẽ tìm đối tác Trung Quốc thay thế” - ông An trần tình.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, hiện số lao động đăng ký “3 tại chỗ” chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động, có thời điểm người lao động, nhất là nữ, xin nghỉ lên đến cả trăm người, vì lao động nữ thực hiện “3 tại chỗ” khó khăn hơn lao động nam rất nhiều, từ điều kiện ăn ở, cho đến phải chăm sóc con nhỏ nên không thể xa nhà nhiều ngày. Việc này khiến năng suất của toàn nhà máy bị giảm xuống.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% trong tổng số lao động. Công suất sản xuất trung bình giảm, chỉ còn 40 - 50% so với trước.
"Với thực tế khó khăn hiện nay, VASEP lo ngại xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ tuột dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông - ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch Covid-19 như hiện nay" - VASEP nhận định.
Tính đến nay, sau hơn 1 tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp ở phía Nam đã lần lượt đề nghị với chính quyền về việc ngừng mô hình này.
Do đó, ngay lúc này, cần thiết đưa ra một kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như để doanh nghiệp chịu đựng được cho đến khi vaccine được tiêm cho tương đối số dân tại Việt Nam vào cuối năm nay. Từ đó, đáp ứng được tiêu chí kép vừa ưu tiên chống dịch, vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ đề ra.
Lập "vùng đệm" cho doanh nghiệp 3 tại chỗ
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương nhìn nhận, thời điểm hiện nay cả khu vực phía Nam, Hà Nội vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16, chưa dự báo được thời điểm nào sẽ dừng hay đưa ra mức giãn cách thấp hơn. Các doanh nghiệp bắt đầu lên tiếng vì từ khi áp dụng "3 tại chỗ", khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng đến giới hạn.
"Ngay lúc này phải đề ra một sách lược để thoát ra tình trạng này thế nào? Doanh nghiệp cần được sản xuất để duy trì sản lượng, duy trì lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới phục hồi được”, ông Hải nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Hải, cần có phương án kể cả trong trường hợp có ca nhiễm thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan, còn các bộ phận khác vẫn được duy trì sản xuất.
“Chính phủ nên nhìn nhận tính chất lâu dài của trận chiến lần này để đối phó với dịch bệnh. Với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh, nhưng có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, cần có sách lược để áp dụng với doanh nghiệp sản xuất, cho phép nới lỏng, tạo điều kiện cho sản xuất để đảm bảo mục tiêu kép - vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh tế”, ông Hải đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng,“3 tại chỗ" nếu áp dụng lâu dài thì không thể chịu nổi bởi nặng nề nhất là áp lực tâm lý cho người lao động. Do đó, việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Theo đó, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bởi phương án sản xuất “3 tại chỗ” đã tỏ ra kém hiệu quả khi áp dụng tại các doanh nghiệp, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các doanh nghiệp, bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn ra ngày 8/8, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ Thường trực VinCommerce (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) nhận định, mô hình “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, thì “3 tại chỗ” có nguy cơ là ổ lây nhiễm lớn nếu có ca nhiễm.
"Chính phủ và các địa phương nên cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy, với các cơ sở như trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu... để lao động tại các doanh nghiệp có thể ăn nghỉ, giãn cách và phòng tránh dịch bệnh tại các “vùng đệm” này" - bà Phương đề xuất.
Đại diện các doanh nghịêp cũng đồng tình với phương án khắc phục những điểm yếu của “3 tại chỗ” và nhận định, hiện nay doanh nghiệp hàng thiết yếu không thể cung cấp đủ hàng cho nhu cầu thị trường vì thiếu nhân công để sản xuất. Do đó, bảo vệ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và chuỗi cung ứng hàng thiết yếu là biện pháp then chốt giữ ổn định xã hội trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay.
Như vậy, giải pháp “vùng đệm” tại các nhà máy "3 tại chỗ" do Masan đề xuất có thể là bước cải tiến quan trọng để mô hình này phù hợp thực tế, phát huy hiệu quả hơn. Và rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu ấy.