Thừa nguồn cung nông sản nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất
(DNTO) - Do thời gian làm việc trùng với khung thời gian hạn chế người dân ra đường (từ 18g đến 6g sáng hôm sau), nên nhiều doanh nghiệp nông sản khó khăn trong việc thu gom nguyên liệu, phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp nông sản giảm 70% công suất vì bị giới hạn thời gian
Theo thống kê từ Tổ công tác tiền phương (Bộ Công thương) tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc, số lượng sản phẩm nông, thủy sản lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…đang vào vụ thu hoạch.
Ngoài ra còn khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…cũng cần được tiêu thụ.
Nguồn cung nông sản không thiếu, nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như TP.HCM, vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt cục bộ các sản phẩm lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Nông sản cần thu hoạch, người dân đang có nhu cầu tiêu dùng, thế nhưng, các doanh nghiệp sản xuất nông sản cũng “lực bất tòng tâm”.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Công ty Vina T&T tăng trưởng 15% so với cùng kì năm ngoái do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, sản xuất trong nước ổn định.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng Chỉ thị 16, nhiều vùng nguyên liệu nằm trong khu vực phong tỏa, giãn cách khiến công ty thiếu hụt lực lượng thu hoạch rất lớn. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành áp dụng quy định cấm người dân không ra khỏi nhà sau 18g – 6g sáng hôm sau gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong việc thu gom nguyên liệu.
“Thời gian làm việc của công ty chỉ còn 10 tiếng (từ 6g sáng đến 6g chiều), trong khi bình thường, thời gian hoạt động lên tới 21 tiếng (từ 3g sáng đã bắt đầu thu hoạch, 7g tối về đến nhà máy và chế biến tới 12g đêm), do sản phẩm nông sản buộc phải thu hoạch và chế biến ngay, quy trình sản xuất phải vận hành liên tục. Do vậy, từ sản lượng 200 tấn/nhà máy/ngày, hiện công suất nhà máy chỉ đạt 20-30% do việc giới hạn thời gian” ông Tùng cho hay.
Ngoài ra, ông Tùng cho biết, hiện vận tải đường biển giá tăng gấp 5 lần so với bình thường. Giá cước từ Việt Nam tới bờ Tây của Mỹ tăng từ 1.800 USD – 9.600 USD và tới 17.000 USD khi đến bờ Đông của Mỹ. Bên cạnh đó, hiện một số hãng tàu không nhận hoặc hạn chế nhận hàng đông lạnh hay rau quả vì rủi ro cao. Trong khi hàng nông sản chỉ một lượng nhỏ đưa vào chế biến, còn lại phải xuất khẩu ngay.
“Nhiều người nông dân rất hoang mang khi không biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, họ cũng không mặn mà đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng, điều này dẫn đến việc nguy cơ thiếu hụt lượng hàng hóa rất lớn, đặc biệt là hàng hóa chất lượng cao để xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát”, Tổng Giám đốc Vina T&T lo ngại.
Tình hình của các nhà máy Vina T&T cũng giống với chuỗi sản xuất của Cà phê nông sản Meet More. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập Meet More cho biết, hiện nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này tại TP.HCM đang rất khó khăn.
Do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” nên hiện tại Meet More đóng băng nhiều hoạt động. Doanh nghiệp cố gắng vận hành một lượng hàng đã sản xuất từ trước và tiếp tục sản xuất một số lượng nhỏ bằng số công nhân tại nhà máy, đồng thời tập trung bán hàng trên thương mại điện tử và kênh online.
“Hiện với những đơn hàng từ Nga, Mỹ chúng tôi đang không thể đáp ứng vì nguồn nguyên liệu đầu vào, bao bì thiếu hụt do tất cả các nhà máy đối tác phải đóng cửa. Vì vậy 1-2 tháng vừa rồi chúng tôi rất khó khăn. Tuy vậy, đội ngũ của công ty vẫn phải liên tục đào tạo để nâng cao năng lực, đồng thời vẫn phải xúc tiến bán hàng với đối tác nước ngoài”, ông Luận cho hay.
Cấp thiết gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngày 7/8, sau cuộc làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trên cả nước, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã tổng hợp các kiến nghị, gửi đến Bộ Y tế và các bên liên quan về việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng, phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, bên cạnh hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bổ sung nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng các tương ứng với tỉ lệ phục hồi sản xuất từ 30-100% năng lực sản xuất của doanh nghiệp từ nay cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Ngoài ra cần có ngay quy định cụ thể để các cơ quan y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp cách ly F0, F1 trong môi trường làm việc nhưng vẫn duy trì sản xuất. Cho phép doanh nghiệp xét nghiệm cộng gộp và lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp, chứ không tập trung tại các cơ sở y tế công cộng, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, mới đây, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương đã kiến nghị xem xét xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông trên đường sau 18g hằng ngày.