Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến lo thiếu nguyên liệu sau dịch
(DNTO) - Sản phẩm nông thủy sản khó tiêu thụ khiến người sản xuất bê trễ, doanh nghiệp gặp khó khăn rất dễ dẫn thiếu hụt nguồn nguyên liệu sau khi dịch được khống chế và sản xuất hoạt động bình thường trở lại.
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Nam. Việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong lúc này là vấn đề cấp thiết cần đặt ra, nhất là trong bối cảnh việc nhiều địa phương trong khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” đã dẫn đến nhiều DN sản xuất buộc phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.
Tiêu thụ sản phẩm khó khăn
Là địa phương có hơn 30 DN chế biến thủy sản xuất khẩu, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quá trình thực hiện giãn cách xã hội đang đẩy các DN vào tình thế khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, trong khi Cà Mau có sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản khá lớn, đặc biệt là diện tích nuôi trồng tôm.
“Trong hơn 1 tháng qua, thủy sản xuất khẩu tại Cà Mau gặp khó. Nhiều DN không đáp ứng được các yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cung đường” dẫn đến tình trạng công suất hoạt động bị giảm mạnh. Nông sản cũng bị giảm giá trầm trọng, nhiều nông dân chán nản, bỏ sản xuất nên nguy cơ sau đại dịch sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu”, ông Sử nêu thực trạng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay tồn kho nông sản chính vụ tại các HTX khu vực phía Nam rất lớn nằm ở 17.000 HTX. Khó khăn của các HTX chính là đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng khiến năng lực tài chính ngày càng suy giảm. Thời gian qua, vẫn có 80% hàng hóa sản xuất thông qua thương lái trung gian phân phối, khi bước vào cao điểm dịch hoạt động giao thương bị hạn chế khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của các HTX vô cùng khó khăn.
“Liên minh HTX đã thực hiện chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, kết nối các HTX thương mại đặc biệt là Saigon Coop coi đây là lực lượng chủ công thực hiện tổ chức phân phối qua kênh thương mại điện tử. Hi vọng từ những động thái này sẽ giúp các HTX cùng người tiêu dùng chung tay tiêu thụ sản phẩm nông sản của bà con nông dân”, ông Bảo mong muốn.
Khẳng định dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên chuỗi sản xuất của ngành hàng rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, hiện nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách và thiếu hụt lực lượng lao động lớn.
“Thời gian làm việc của người lao động bị giảm mạnh do thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng rất lớn đến sự tươi ngon của trái cây. Nhiều loại trái cây phải thu hoạch trong khoảng thời gian từ 3 – 4 giờ sáng mới đảm bảo được độ tươi ngon, chất lượng. Khi nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, nhân công, người lao động giảm giờ làm khiến năng suất thu hoạch cũng giảm chỉ còn 30-40% so với trước. Trong khi chi phí logistics tăng cao, nguy cơ các hãng tàu không nhận hàng lạnh, do hàng rau quả nhanh hỏng, không để lâu được như hàng khô khiến nhiều bà con nông dân hoang mang, không muốn chăm sóc”, ông Tùng nói.
Chú trọng thị trường trong nước
Trước thực tế tồn đọng, chậm tiêu thụ nông thủy sản tại Nam Bộ và Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng cần có lực lượng xử lý nhanh đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu. Trong đó hướng đến xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa online, tích cực vận các cơ sở sản xuất, hộ nông dân nỗ lực trong việc tiếp cận với việc giao thương trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty CP Sen đỏ cho rằng, đối với việc tiêu thụ nông sản, Sendo đã triển khai Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; Nông nghiệp số và Đi chợ tại nhà nhằm giúp các HTX giảm các khâu phân phối cồng kềnh, giảm khâu trung gian từ đó giảm các chi phí.
Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và xuất khẩu hàng hóa, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Lan cho biết, tại châu Âu, nông sản Việt không chỉ cạnh tranh với nông sản Trung Quốc mà còn phải cạnh tranh với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới. Do nông sản Việt vẫn đi bằng đường hàng không sang thị trường châu Âu nên chịu chi phí cao, tỷ lệ úng hỏng nhiều do công nghệ chế biến còn sơ khai... giảm sức cạnh tranh đối với hàng nông sản Việt.
“Cần đẩy mạnh công nghệ chế biến nông thủy sản, tìm cách giảm chi phí logistics, thay vì vận chuyển bằng đường hàng không cần chú trọng vận chuyển bằng đường biển sẽ giúp chi phí logistics nhẹ gánh”, ông Hiển khuyến cáo.
Cùng lo lăng về khâu vận tải hàng hóa, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị Bộ Công Thương cần nhanh chóng làm việc với các hãng tàu ưu tiên vận chuyển hàng lạnh nhằm khơi thông hàng hóa. “Hiệp hội đã làm việc với các hãng tàu nhưng chưa tìm được tiếng nói chung nên bình thường được cấp hơn 100 container nhưng nay chỉ được cấp 30-40 container. Ngoài ra, cần giảm tiền điện cho các cơ sở trữ hàng đông lạnh và có thông tin xấu như hàng hóa Việt Nam dính Covid khiến sức tiêu thụ ảnh hưởng rất mạnh, các Bộ, ngành cần dập tắt ngay tình trạng này nếu không sẽ thiệt hại rấ nặng đến công tác xuất khẩu rau quả”, ông Tùng kiến nghị.
Trước những khó khăn mà các DN nông sản đang phải đối diện do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, các DN cần phải xác định thị trường trong nước lúc này là quan trọng nhất, do đó phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. “26 tỉnh, thành phố miền Nam và Tây Nguyên cần nắm chắc số lượng chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ để khẩn trương tìm cách tiêu thụ tại chỗ, bên cạnh đó phối hợp với các Tổ công tác tiền phương của hai Bộ, các hiệp hội ngành hàng, các DN xuất nhập khẩu, DN phân phối để được tư vấn, hỗ trợ và tổ chức tiêu thụ khẩn cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, với tinh thần không quá lệ thuộc vào một vài thị trường trọng yếu”, Bộ trưởng chỉ rõ./.