Đứt gãy nguyên liệu: Nỗi lo của nhiều ngành hàng trong dịch Covid-19
(DNTO) - Đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do để đạt kim ngạch tăng trưởng cao. Dệt may, giày dép, gỗ, thép… là những mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến xuất khẩu rất tích cực.
Song, theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), một số tiêu chí xuất xứ cho các mặt hàng xuất khẩu trong các FTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa. Điều này dễ dẫn đến việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gây khó khăn lớn cho các ngành sản xuất trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các DN đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đó chỉ thực hiện chủ yếu ở doanh nghiệp (DN) lớn, các DN vừa và nhỏ hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động trong việc giải quyết nguyên phụ liệu tại chỗ.
“Lefaso mong chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cần tạo ra được vùng, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp da giày, dệt may được phát triển và có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn để thúc đẩy phát triển nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam”, bà Xuân nói.
Đối với ngành gỗ, Việt Nam là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn cho thế giới. Trong khâu xuất khẩu, các DN Việt đã và đang cam kết tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu như Quy định EUTR 995, Luật Lacey của Mỹ; Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường này, các DN của Việt Nam cam kết và cung cấp đầy đủ các bằng chứng về nguồn gốc gỗ sử dụng làm đồ gỗ xuất khẩu. Song, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), qua khảo sát nắm bắt thông tin tại một số các DN nhập khẩu gỗ từ châu Phi trong thời gian gần đây cho thấy, việc thực hiện Nghị định 102 đang gặp phải một số khó khăn, do chưa quy định cần phải yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ cụ thể về 4 hợp phần thông tin chính mà nhà nhập khẩu cần bổ sung.
Để giảm rủi ro trong khâu gỗ nguyên liệu nhập khẩu, giúp ngành gỗ tránh được các vụ điều tra của các thị thường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest đề nghị trong tương lai, Việt Nam cần hướng tới mục tiêu 100% gỗ nhập khẩu phải có Chứng chỉ, giống như một số thị trường nhập khẩu thế giới yêu cầu Việt Nam khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải đảm bảo 100% là gỗ rừng trồng hoặc từ nguồn gỗ có Chứng chỉ.
Nguồn nguyên liệu cho sản xuất thép phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo ông Trần Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Để đáp ứng mức tăng này, sản lượng sản xuất thép của các DN trong nước tăng mạnh theo từng năm. Sản lượng phôi thép liên tục tăng từ mức 4,3 triệu tấn năm 2010 lên mức 7,8 triệu tấn năm 2016. Năm 2020, con số này đạt 19,9 triệu tấn. Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường.
Một số sản phẩm xuất khẩu cao như tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội,… vẫn còn phải nhập khẩu.
Đánh giá về những thách thức của ngành sản xuất thép thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp đề xuất xây dựng nhà sản xuất thép thương hiệu Việt xứng tầm với quy mô trong khu vực cũng như trên thế giới; khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu (đảm bảo nguồn cung thép cuộn cán nóng cho tiêu thụ trong nước).
"Đối với vấn đề thị trường, hy vọng mở rộng các thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao…", ông Trương Thanh Hoài nói.
Theo nhìn nhận của ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 5 năm gần đây ngành thép có sự phát triển vượt bậc, số liệu nhập khẩu theo đó cũng giảm dần theo từng năm. Trên bản đồ thế giới, sản xuất thép thô của Việt Nam đứng thứ 14. Để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo cho ngành thép phát triển bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển ngành thép thời gian tới, gắn với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số…