Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ mở rộng các ‘vùng xanh’ để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh
(DNTO) - Thời gian qua, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp vực dậy và phát triển mạnh mẽ, đại diện các hiệp hội cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách mạnh hơn.
Doanh nghiệp cần những liều cứu trợ mạnh hơn
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ ngày 8/8, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; đặc biệt có các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Các hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy; đồng thời xem xét giảm tiền điện cho khu vực sản xuất…
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng nên mở rộng các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Chuẩn bị thí điểm mở cửa du lịch khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân.
Nhiều hiệp hội ngành hàng đề nghị cần xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông; đưa nhóm mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vào luồng xanh; thống nhất các tiêu chí về vùng xanh; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng về lao động, việc làm...
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… mong muốn Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine, trong đó có lao động trong khu vực FDI, duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh;…
Bên lề hội nghị, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách trợ lực của Chính phủ đã kịp thời cứu sống nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách chưa “đủ liều”. Vì vậy, hội mong muốn Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp giảm lãi suất, giảm thuế phí mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
Trước vấn đề về lưu thông hàng hóa, đại diện các bộ, ngành đều khẳng định Chính phủ không có bất kỳ văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng còn nhấn mạnh phải bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông, trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm. Ngoài ra, bộ trưởng cũng khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét việc giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị.
Bên cạnh việc làm rõ kiến nghị liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp về việc tạo điều kiện thuận lợi cấp phép cho lao động nước ngoài; vận dụng nghị quyết của Quốc hội để có thể cho phép làm thêm trên 40 giờ/tháng…
Trước những đề xuất của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng ách tắc.
Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn lực cũng như bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ đang làm và nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện của đất nước để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, những ý kiến đóng góp sát thực tế, thể hiện sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với nỗ lực và quyết tâm khắc phục khó khăn.
Thủ tướng cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
“Những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Hai nghị quyết này cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế, của đất nước ta, trong thẩm quyền của Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.