Giành lại ‘miếng bánh’ logistics từ tay doanh nghiệp nước ngoài
(DNTO) - Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL,4PL) tại Việt Nam chỉ chiếm 16%, còn lại rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại, là một trong những nguyên nhân khiến giá cước vận chuyển trong nước vẫn cao hơn so với khu vực.
Thất thế tại sân nhà
Chia sẻ tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", sáng 28/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, đứng thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu về logistics năm 2021, theo Agility.
Tuy vậy, doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
“Ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu kém, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinafco cho biết, thị trường logistics Việt Nam hiện phân tán về quy mô, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng); phân tán về loại hình dịch vụ khi hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau.
Do vậy, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL, 4PL) tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trong ngành logistics, nên khó cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế đã bước chân vào Việt Nam và hoạt động sôi nổi, chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu so với các doanh nghiệp nội địa.
Những hạn chế trên đã khiến chi phí logistics Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, dao động từ 20,9-25% GDP. Cùng với giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí của doanh nghiệp; giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi ra quốc tế.
‘Chơi’ theo xu thế
Hiện nay, các xu thế mới của thị trường logistics tuy đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Vì vậy, để bắt kịp xu thế thị trường, bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, cần có thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics Việt Nam phát triển.
“Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị; doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh”, bà Hương kiến nghị.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics. Trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống cảng cạn, ICD, hệ thống trung tâm logistics cũng như nhanh chóng triển khai các dự án giao thông đường bộ, cụ thể đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nâng cấp đường cao tốc TP.HCM– Long Thành.
Đặc biệt, theo ông Lộc, Chính phủ cần xây dựng cơ chế phát triển logistics xanh theo định hướng cắt giảm tỷ trọng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên 1km vận tải; xây dựng cơ chế ưu đãi giảm các loại thuế cho doanh nghiệp…
“Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022 và ổn định quanh mức 6,5% năm 2023. Các Hiệp định thương mại tự do dần được thực thi hiệu quả hơn khiến thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản… Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ cảng và logistics phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa với các thị trường lớn trên thế giới”, ông Lộc nhấn mạnh.