Việt Nam đang làm gì với siêu hiệp định RCEP?
(DNTO) - Một chương trình phát triển thị trường xuất khẩu vào RCEP đang được xây dựng nhằm giúp Việt Nam bước sâu hơn vào thị trường với 2,2 tỷ người dùng. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt.
64% số dòng thuế đang được xóa bỏ
Ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu, ngày 15/11/2020, Việt Nam cùng 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) cùng đặt bút kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
RCEP được xem là siêu hiệp định khi tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 2,2 tỷ người tiêu dùng (khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ USD (khoảng 30% GDP toàn cầu).
Ngày 1/1/2022, RCEP chính thức có hiệu lực, các bên ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Đây được xem là động lực rất lớn cho thương mại của các bên, trong đó có Việt Nam sau 2 năm bị giáng đòn bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 20 năm,Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế cho Việt Nam.
Sôi động dòng chảy thương mại
Ngay sau khi RCEP có hiệu lực, quý đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Malaysia đã tăng 138% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,45 triệu USD, tăng. Malaysia hiện là điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Thông qua RCEP, Malaysia mong muốn thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Cũng sau 3 tháng RCEP chính thức có hiệu lực, thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác cũng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, từ Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3%; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kì năm trước (theo Bộ Công thương).
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán Việt Nam có khả năng đạt mức tăng thu nhập và thương mại cao nhất trong số các thành viên RCEP. Trong đó, ở kịch bản tăng năng suất của WB, Việt Nam có thể đạt xuất khẩu tăng 11,4% và nhập khẩu tăng 9,2% nếu tận dụng tốt ưu đãi từ hiệp định này.
“Cỗ xe ngựa” cần chuẩn bị tốt
‘Cao tốc’ RCEP được xem là khá thuận lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh thương mại quốc tế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, xu hướng bảo hộ gia tăng. Tuy nhiên, để đi nhanh và đi xa trên con đường này, những cỗ xe tốt cần được chuẩn bị kĩ lưỡng.
Sau hai tháng được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP, ngày 7/3, Bộ Công thương ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022 – 2026.
Kế hoạch tập trung triển khai 3 nhiệm vụ: xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP. Đi kèm với kế hoạch, Bộ Công thương cũng ban hành các thông tư liên quan đến quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, cam kết về cạnh tranh… trong Hiệp định RCEP để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa các cam kết từ Hiệp định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với cơ chế và cam kết sâu hơn với các đối tác, Hiệp định RCEP sẽ tạo thuận lợi rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu. Đặc biệt, việc tham gia vào RCEP cũng giúp Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào tốt hơn từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Hải cho hay.