Xuất khẩu khởi sắc nhưng chưa thể vội mừng
(DNTO) - Chi phí logisitcs chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cuộc xung đột Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19 vẫn làm gián đoạn nguồn cung nguyên nhiên liệu, là những thách thức xuất khẩu Việt Nam vẫn đang phải đối mặt.
Khó khăn cũ chưa qua…
Trong quý đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đã khởi sắc khi đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, riêng xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12,9%. Đây là mức tăng trưởng khá cao khi Việt Nam phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng như biến động từ kinh tế, chính trị thế giới.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam còn rất nhiều cơ hội làm ăn với các đối tác lớn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy mô lớn, mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
Tuy vậy, hoạt động thương mại Việt Nam vẫn đối diện với không ít khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động logistics quốc tế vẫn gián đoạn và xung đột địa chính trị leo thang. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất trong hoạt động thương mại Việt Nam vẫn là tác động từ đại dịch Covid-19.
Mặc dù Việt Nam đã và đang thích ứng an toàn với dịch bệnh để khôi phục sản xuất, nhưng tại các nước đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam vẫn duy trì chiến lược Zero Covid-19. Các lệnh phong tỏa có thể làm gián đoạn tại các vùng cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam, có thể khiến các cảng biển ùn tắc, kéo dài thời gian vận chuyển và khiến giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
Thực tế trong hai năm qua, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên giá cước vận tải biển lên mức cao và đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Cập nhật thị trường vận chuyển container và logistics quốc tế các tuyến châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ trong tuần 14/2022 của Phaata cho thấy, tình trạng thiếu chỗ và thiếu container vẫn rất trầm trọng ở hầu hết các tuyến vận tải, giá cước vẫn tăng cao.
Trong tháng 3, giá cước vận chuyển đường biển theo hợp đồng dài hạn đã tăng 7%, đẩy giá vận chuyển lên 96,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Xeneta. Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi phần lớn hàng hóa xuất khẩu quốc tế phụ thuộc vào hãng tàu ngoại, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.
…thách thức mới ập đến
Bên cạnh những khó khăn từ đại dịch Covid-19, ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, những bất ổn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đang tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Mặc dù kim ngạch thương mại của Việt Nam với hai nước này chưa lớn, nhưng Nga và Ukraine lại là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng cho sản xuất thế giới như xăng dầu, than, các loại nông sản, phân bón, kim loại…
Vì vậy, cuộc xung đột này đã tác động tới chuỗi cung ứng nói chung, đẩy giá thành các sản phẩm nguyên, nhiên liệu lên mức cao, gia tăng áp lực lên thị trường thế giới. Và Việt Nam, một quốc gia vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng chịu áp lực không nhỏ.
Chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, năm 2022, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu cán mốc khoảng 363 tỷ USD, tăng trưởng 6-8% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu này, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm hàng đầu.
“Ví dụ như tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Peru và Mexico, hai quốc gia mới gia nhập CPTPP, đã đạt 25-35%, đây là cơ hội cho doanh nghiệp. Đặc biệt, từ 1/1/2022, Hiệp định RCEP với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam; đồng thời sẽ giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn”, ông Hải cho hay.